11/02/2023
0

Giảm tới 70% đơn đặt hàng từ các nhà cung cấp của hãng chip nhớ số 1 Trung Quốc

Được hậu thuẫn bởi chính phủ Trung Quốc, YMTC không được niêm yết công khai và không có nghĩa vụ tiết lộ kết quả tài chính hoặc hiệu quả kinh doanh, nhưng các nhà phân tích cho rằng công ty đang chịu áp lực ngày càng tăng, đặc biết là sau khi bị Bộ Thương mại Mỹ thêm vào danh sách thực thể hồi tháng 12/2022. Các công ty trong danh sách đen thương mại không thể mua các sản phẩm hoặc dịch vụ do Mỹ sản xuất nếu không có sự cho phép từ chính quyền Biden.

Với trụ sở tại Vũ Hán, YMTC đã phải cắt giảm tới 70% đơn đặt hàng từ Naura Technology Group, nhà sản xuất hàng đầu Trung Quốc về các công cụ khắc, làm sạch và lắng đọng hơi hóa học cho các đĩa bán dẫn.

Các đơn đặt hàng đã bị hủy trong  vòng 4 tháng qua, tương ứng với quyết định ngày 7/10/2022 của chính quyền tổng thống Mỹ nhằm thắt chặt đáng kể các biện pháp kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc.

Arisa Liu, nhà nghiên cứu chất bán dẫn cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, cho biết: “YMTC có thể giảm mua hàng từ các nhà cung cấp của mình vì phải đối mặt với sự không chắc chắn lớn trong sản xuất và bán các sản phẩm của chính mình do lệnh trừng phạt từ Mỹ”. YMTC không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.

YMTC hủy đơn đặt hàng trong bối cảnh Mỹ siết chặt các hạn chế xuất khẩu với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, cũng như sự suy giảm của thị trường chip nhớ toàn cầu.

Theo bản cáo bạch chào bán công khai lần đầu vào tháng 12 của Beijing Jingyi Automation Equipment Co, YMTC là khách hàng lớn nhất của họ trong năm 2019 và 2021, chiếm khoảng 50% tổng doanh số. Song trong nửa đầu năm 2022, các đơn đặt hàng bắt đầu giảm và đóng góp của YMTC giảm xuống còn 25%.

Bản cáo bạch không nêu lý do sụt giảm đơn đặt hàng, nhưng chúng xảy ra trước khi Mỹ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu và đưa YMTC vào danh sách đen. Beijing Jingyi Automation Equipment Co chuyên sản xuất và phát triển các thiết bị cao cấp. Các sản phẩm của công ty bao gồm thiết bị kiểm soát nhiệt độ bán dẫn, robot, xử lý khí thải, màn hình LED, LCD...

YMTC được coi là hy vọng tốt nhất của Trung Quốc để thâm nhập vào thị trường chip NAND toàn cầu đầy cạnh tranh, một lĩnh vực chứng kiến sức mạnh của công ty nước ngoài như Kioxia (Nhật Bản), Samsung Electronics và SK Hynix (Hàn Quốc).

YMTC sa thải 10% lao động

Cuối tháng 1 vừa qua, SCMP cho biết YMTC đang sa thải tới 10% lực lượng lao động sau chưa đầy hai tháng bị Mỹ thêm vào danh sách đen thương mại.

Theo một nguồn tin nắm rõ tình hình, những nhân viên bị sa thải được xác định là “làm việc kém hiệu quả” trong đánh giá hiệu suất năm 2022. Số lượng sa thải sẽ lên tới vài trăm nhân viên vì YMTC sử dụng gần 6.000 người, theo cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp Qichacha.

Báo cáo của SCMP thu hút sự chú ý của công chúng sau khi một trong những nhân viên YMTC bị sa thải cho biết đã làm việc tại công ty hơn 4 năm, đăng trên mạng xã hội Zhihu (Trung Quốc) rằng công ty yêu cầu trả lại hơn 400.000 nhân dân tệ (59.000 USD) cho một căn hộ được trợ cấp mà anh mua ở Vũ Hán, nơi đặt trụ sở chính của YMTC.

Nam thanh niên viết rằng anh đã mua căn hộ với giá chiết khấu theo chính sách nhà ở ưu đãi của YMTC. Tuy nhiên, vì thời gian làm việc của nam thanh niên tại YMTC ngắn hơn 5 năm nên công ty cho biết anh phải trả khoản chênh lệch giá.

Cựu nhân viên YMTC nói với SCMP rằng việc sa thải ảnh hưởng đến “hầu hết các bộ phận” và nằm trong khoảng từ 5 đến 10% lực lượng lao động. Anh cho biết thêm, những nhân viên bị sa thải đã mua nhà ở được trợ cấp nhưng làm việc tại công ty chưa đầy 5 năm bị yêu cầu hoàn trả số tiền từ 300.000 nhân dân tệ đến 1 triệu nhân dân tệ.

Vào tháng 12/2022, Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ đã đưa YMTC cùng 35 thực thể Trung Quốc khác vào danh sách đen thương mại hạn chế mua sắm các sản phẩm và dịch vụ Mỹ mà không có sự chấp thuận của chính quyền Biden.

Mỹ cáo buộc rằng YMTC cung cấp sản phẩm cho các công ty đã nằm dưới sự kiểm soát xuất khẩu của họ, bao gồm hãng viễn thông Huawei và nhà sản xuất camera giám sát Hangzhou Hikvision Digital Technology Co.

YMTC đã không bình luận công khai về tác động của lệnh trừng phạt từ Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích trong ngành cho biết YMTC sẽ rất khó tiếp tục phát triển công nghệ 3D NAND flash mới nhất của mình, được gọi là Xtacking 3.0, vì bị từ chối tiếp cận thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến.

Vào giữa tháng 10/2022, một tuần sau khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ được áp dụng, YMTC vẫn tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp, cung cấp các gói lương hậu hĩnh, bao gồm ít nhất 15 ngày nghỉ phép hàng năm và quyền mua nhà mới trong một khu dân cư cụ thể ở Vũ Hán bằng giá thấp hơn 40% so với giá trị thị trường.

YMTC gặp thách thức về đổi mới khi bị Mỹ trừng phạt

Kể từ khi thành lập vào năm 2016, YMTC đã là niềm hy vọng của Trung Quốc trong việc tạo đột phá trên thị trường toàn cầu về chip nhớ flash NAND, bộ nhớ bán dẫn không biến đổi giúp lưu trữ dữ liệu mà không cần nguồn điện, được sử dụng phổ biến trong smartphone, máy tính bảng và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác.

Tuy nhiên, những hy vọng đó đã mờ đi khi YMTC bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại vào tháng 12/2022.

Các chuyên gia chip nước ngoài cho biết khả năng đạt được tiến bộ công nghệ và sản xuất số lượng lớn của YMTC sẽ bị cản trở do không được tiếp cận các công cụ và dịch vụ sản xuất chip của Mỹ, dù tác động không đến ngay lập tức.

Wei Shaojun, giáo sư bán dẫn tại Đại học Thanh Hoa và là nhà bình luận nổi tiếng trong ngành, cho biết: “Mỹ đã vũ khí hóa các công cụ tự động hóa thiết kế điện tử và công cụ sản xuất chip tiên tiến, những lĩnh vực mà họ có lợi thế công nghệ tuyệt đối, để kiềm chế công nghệ bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc phát triển".

Phát biểu tại diễn đàn công nghiệp gần đây ở thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc), Wei Shaojun nói điều này buộc Trung Quốc phải tập trung lại vào việc cải thiện các quy trình sản xuất chip trưởng thành của mình. Ông cũng ca ngợi những đổi mới công nghệ của YMTC, bao gồm cả cấu trúc Xtacking, tiết kiệm chi phí hơn trong dài hạn.

“Dù kiến trúc liên kết hai đĩa bán dẫn (wafer) với nhau của YMTC có vẻ tốn kém hơn, kiến trúc CMOS Under Array (CUA) được hầu hết nhà sản xuất chip NAND sử dụng có vẻ ít tốn kém hơn, nhưng khi các ngăn xếp NAND đạt hơn 300 lớp, quy trình CUA có thể dẫn đến rất nhiều sản lượng thấp khi nhiều lớp được thêm vào”, Wei Shaojun cho biết vào tuần trước tại Thâm Quyến.

YMTC đã giới thiệu chip 3D NAND đầu tiên của mình, X3-9070 dựa trên kiến trúc Xtacking 3.0, vào tháng 8.2022. Theo một tuyên bố của YMTC, kiến trúc 3.0 đã cải thiện hiệu suất lên 50% so với các phiên bản trước đó, tăng mật độ lưu trữ lên 1 BT/s (tỉ lần trên giây) trong khi giảm 25% mức tiêu thụ điện năng.

Ba tháng sau, TechInsights, nhà cung cấp chất bán dẫn và vi điện tử thông minh của Canada, đã tìm thấy chip 3D NAND 232 lớp do YMTC sản xuất có tính năng Xtacking 3.0 trong ổ cứng thể rắn Hikvision, chip mà TechInsights kết luận là đi trước các nhà sản xuất bộ nhớ hàng đầu trong ngành như Samsung Electronics, SK Hynix và Micron Technology.

Dù đây có thể là một kiến trúc quan trọng với công nghệ 3D NAND, việc YMTC không thể hợp tác kinh doanh với các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu như Lam Research (cung cấp công cụ quan trọng với các nhà sản xuất chip nhớ) sẽ đồng nghĩa sức mạnh công nghệ của nó bị đặt dấu hỏi.

“Nếu không có sự hỗ trợ của các nhà cung cấp thiết bị chính, YMTC đang phải đối mặt với trở ngại kỹ thuật lớn trong việc phát triển công nghệ 3D NAND flash mới nhất của mình được gọi là Xtacking 3.0. Đặc biệt, việc tăng tỷ lệ năng suất cho các quy trình 128 lớp và 232 lớp sẽ cực kỳ khó khăn với nhà sản xuất bố nhớ Trung Quốc”, công ty nghiên cứu thị trường TrendForce cho biết trong một báo cáo nghiên cứu.

3D NAND được tạo thành từ một số lớp ô nhớ xếp chồng lên nhau theo chiều dọc. Khi thêm nhiều lớp hơn, mật độ bit sẽ tăng lên, cho phép các sản phẩm có nhiều dung lượng lưu trữ hơn.

Samsung Electronics đã đạt được một cột mốc quan trọng khi xuất xưởng thiết bị 3D NAND đầu tiên trên thế giới vào năm 2013. Kể từ đó, kiến trúc 2D đã nhường chỗ cho 3D trong bối cảnh nhu cầu lưu trữ dữ liệu ngày càng tăng. Ngày nay, kiến trúc 3D NAND chính thống được gọi là CMOS Under Array (CUA) mà các công ty Micron Technology và Intel của Mỹ đã sử dụng để giới thiệu chip 3D NAND đầu tiên vào năm 2015.

Ngoài tác động về quá trình sản xuất, TrendForce cho biết những người mua NAND flash bên ngoài Trung Quốc đang có những e ngại đáng kể về việc áp dụng công nghệ của YMTC, trong đó Apple và những người khác tạm thời ngừng lấy mẫu sản phẩm với công ty Trung Quốc.

Đăng nhập