Ngày 23-3, Trung tâm đào tạo và thiết kế vi mạch ICDREC đã chính thức công bố chương trình liên kết đào tạo cao học đầu tiên về thiết kế vi mạch điện tử với đại học Bách Khoa TP.HCM.
Đại học bách khoa TPHCM cho biết đây là chương trình đào tạo cấp thạc sĩ đầu tiên về thiết kế vi mạch tại VN và được thiết kế dựa trên khung chương trình đã và đang được dạy tại Pháp, Nhật, Mỹ. Các môn học tập trung vào thiết kế vi mạch như thiết kế vi mạch số, thiết kế vi mạch tín hiệu hỗn hợp, thiết kế vi mạch trên công nghệ ASIC và công nghệ FPGA.
Chương trình sẽ được triển khai áp dụng cho khóa đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Điện tử từ năm 2011 trở đi. Thời gian học là 1,5 đến 2 năm và số lượng sinh viên dự kiến khoảng 20 sinh viên/năm. Nội dung giảng dạy sẽ do ĐH Bách khoa TP.HCM thiết kế với sự hỗ trợ của ICDREC về phần mềm thiết kế vi mạch, trung tâm nghiên cứu và tham gia vào các dự án không hạn chế đối tượng…
Đây là chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành thiết kế vi mạch đầu tiên của hệ thống đại học Việt Nam tự xây dựng chương trình, nội dung đào tạo. Trước đó, đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM cũng có chương trình đào tạc thạc sĩ thiết kế vi mạch nhưng liên kết với Nhật Bản.
Theo PGS. TS Vũ Đình Thành, hiệu trưởng ĐH Bách khoa TP.HCM, sinh viên hệ chính quy ngành điện tử viễn thông tốt nghiệp loại giỏi và sinh viên chương trình kỹ sư chất lượng cao Pháp Việt ngành viễn thông tốt nghiệp loại khá sẽ được chuyển thẳng vào chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành thiết kế vi mạch và ứng dụng. Sinh viên tốt nghiệp hệ đại học chính quy ngành điện tử viễn thông và sinh viên tốt nghiệp chương trình kỹ sư chất lượng cao Pháp Việt ngành viễn thông bắt buộc phải thi đầu vào. Còn sinh viên không chính quy ngành điện tử viễn thông, chính quy ngành vật lý điện tử, vật lý y sinh… sẽ phải bổ túc kiến thức trước khi dự thi vào chương trình trên.
Giám đốc ICDREC Ngô Đức Hoàng nhận xét, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư chuyên ngành thiết kế vi mạch của các doanh nghiệp trong và ngoài nước lĩnh vực vi mạch đang hoạt động tại Việt Nam đang tăng mạnh, ước tính khoảng 400 người trong năm 2011, nhưng nguồn đào tạo hiện nay còn quá ít.
Hiện ngành thiết kế vi mạch tại Việt Nam được đánh giá là đang theo kịp Malaysia và chỉ đứng sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á. Vi mạch đứng vị trí số 1 trong danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quyết định 49 của Chính phủ ký hồi tháng 9-2010. Các sản phẩm vi mạch cũng chiếm vị trí số 1 trong 76 sản phẩm công nghệ cao.
Theo Gonews