Khái niệm và xu hướng Internet of Things trên thế giới

Tran Ngoc Viet -   29/08/2017 0 8003
Khái niệm và xu hướng Internet of Things trên thế giới

Trong khoảng vài năm trở lại đây, chắc hẳn mỗi bạn đọc đã không ít lần nghe thoáng qua về khái niệm “Internet of Things”. Và trong đó, những thiết bị gia dụng như lò nướng hay tủ lạnh có thể "nói chuyện" được với nhau. Nhưng chúng kết nối với nhau như thế nào? Thực thi ra sao? Làm sao để chúng nhận được sự điều khiển của con người?…Có rất nhiều câu hỏi cho những ai chưa biết đến IoT.  Ở chương 1 này, các chuyên gia của EZLINK Technologies sẽ mang đến những kiến thức căn bản về hệ sinh thái Internet of Things cho các bạn.

1.    Khái niệm “Internet of Things”

Thuật ngữ “Internet of Things” xuất hiện khá nhiều và thu hút không ít sự quan tâm chú ý của thế giới công nghệ. Tuy nhiên, không như nhiều xu hướng công nghệ trước đây, hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa được chấp nhận rộng rãi nào cho khái niệm Internet of Things.

Theo Wikipedia thì khái niệm: Internet of Things (IoT)  được dịch là  Mạng lưới vạn vật kết nối Internet là một liên mạng, trong đó các thiết bị, phương tiện vận tải (được gọi là "thiết bị kết nối" và "thiết bị thông minh"), phòng ốc và các trang thiết bị khác được nhúng với các bộ phận điện tử, phần mềm, cảm biến, cơ cấu chấp hành cùng với khả năng kết nối mạng máy tính giúp cho các thiết bị này có thể thu thập và truyền tải dữ liệu.

Năm 2013, tổ chức Global Standards Initiative on Internet of Things (IoT-GSI) định nghĩa IoT là "hạ tầng cơ sở toàn cầu phục vụ cho xã hội thông thông tin, hỗ trợ các dịch vụ điện toán chuyên sâu thông qua các thiết bị được kết nối với nhau nhờ vào công nghệ thông tin và truyền thông.

Về cơ bản, Internet of Things cung cấp kết nối chuyên sâu cho các thiết bị, hệ thống và dịch vụ, đồng thời hỗ trợ da dạng giao thức, và ứng dụng. Kết nối các thiết bị nhúng này được kỳ vọng sẽ mở ra kỷ nguyên tự động hóa trong hầu hết các ngành, mở rộng tới những lĩnh vực thành phố thông minh.

Trên cơ sở đó, hệ thống IoT cho phép các thiết bị được cảm nhận hoặc được điều khiển từ xa thông qua hạ tầng mạng hiện hữu, tạo cơ hội cho thế giới thực được tích hợp trực tiếp hơn vào hệ thống điện toán. Hệ quả mang lại là hiệu năng, độ tin cậy và lợi ích kinh tế được tăng cường bên cạnh việc giảm thiểu sự can dự của con người.

IoT là một kịch bản của thế giới, khi mà mỗi đồ vật, con người được cung cấp một định danh của riêng mình, và tất cả có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính.

2.    Lịch sử của IoT

Trong các tư liệu về IoT, người ta thường nhắc đến một chiếc máy bán nước giải khát tự động tại trường Đại học Carnegie Melon (Mỹ) vào đầu những năm 1980 như là một thiết bị đầu tiên mở màn cho xu hướng này, chiếc máy được lập trình để có thể kết nối với người điều khiển qua Internet, nhằm kiểm tra tình trạng của máy và bổ sung nước khi cần thiết mà không cần sự tiếp xúc kiểm tra trực tiếp.

Sau đó, khái niệm Internet of Things chỉ thực sự được đưa ra vào năm 1999, khi mà người ta bắt đầu nhận thấy tiềm năng của xu hướng này, bên cạnh việc mạng Internet cũng như nhiều rào cản về mặt khoa học công nghệ đã dần được khai phá. Cụm từ này được đưa ra bởi Kevin Ashton vào năm 1999. Ông là một nhà khoa học đã sáng lập ra Trung tâm Auto-ID ở đại học MIT, nơi thiết lập các quy chuẩn toàn cầu cho RFID (một phương thức giao tiếp không dây dùng sóng radio) cũng như một số loại cảm biến khác. IoT sau đó cũng được dùng nhiều trong các sản phẩm đến từ các hãng và nhà thiết kế.

Theo lịch sử, IoT đã phát triển từ sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet. Đến năm 2014, Internet of Things khẳng định được bước tiến của mình nhờ sự hội tụ của nhiều công nghệ, bao gồm truyền tải vô tuyến hiện diện dầy đặc, phân tích dữ liệu thời gian thực, học máy, cảm biến, và hệ thống nhúng. Điều này có nghĩa là tất cả các dạng thức của hệ thống nhúng cổ điển, như mạng cảm biến không dây, hệ thống điều khiển, tự động hóa đều đóng góp vào việc lịch sử phát triển của IoT.

Tại Việt Nam, một số công ty công nghệ trong đó có EZLINK Technologies đã bắt đầu tiên phong nghiên cứu và thiết kế các sản phẩm về Internet of Things vào những năm đầu thập kỷ 2010. Và cho đến nay tại Việt Nam, IoT trở nên “hot” hơn bao giờ hết và được các công ty đại gia công nghệ đầu tư nhân sự và hạ tầng cho việc phát triển sản phẩm và thiết bị IoT.

3.    Internet of Things đang thay đổi cách sống trên thế giới như thế nào?

IoT ảnh hưởng trực tiếp tới tất cả chúng ta trong mọi mặt.

Một bối cảnh giả định điển hình sẽ diễn ra như sau: Khi chúng ta bước gần về đến cửa nhà, cơ chế điều khiển tự động tích hợp trong chìa khóa (hoặc điện thoại, smartwatch) của chúng ta sẽ tự động mở cửa từ xa. Khóa cửa sẽ gửi tín hiệu không dây đến hệ thống mạng nội bộ trong nhà, trước hết là khiến đèn cửa và hàng lang được kích hoạt. Hệ thống điều hòa, vốn đã chuyển sang trạng thái chờ khi chúng ta rời đi, sẽ tiếp tục hoạt động trở lại. Theo một số cài đặt sẵn, thậm chí máy pha cà phê sẽ có thể tự động được kích hoạt để chuẩn bị sẵn 1 tách cà phê thơm phức ngay khi ta bước chân vào phòng khách. Mọi thiết bị trong một smart house sẽ giao tiếp và hoạt động một cách hài hòa, từ đó đưa chúng ta đến một định nghĩa đơn giản nhất cho IoT: “Một hệ sinh thái IoT thực sự là một thế giới trong đó mọi thiết bị đều có thể phối hợp được với nhau”.

Còn ở những địa điểm công cộng thì như thế nào? Lấy việc đỗ xe làm ví dụ. Nhiều thành phố trên thế giới hiện đã bắt đầu sử dụng hệ thống cảm biến của hãng Streetline trên các ô đỗ xe dọc các tuyến đường của mình. Các bác tài sẽ có thể sử dụng phần mềm trên điện thoại di động để tìm thông tin về các vị trí còn trống. Hãng này mới đây còn bổ sung thêm tính năng cảm ứng âm thanh và nhiệt độ bề mặt cho các sản phẩm của mình để giúp chính quyền thành phố các nước châu Âu lạnh giá quyết định thời điểm sử dụng muối trên bề mặt đường (giúp cải thiện tình trạng băng giá trơn trượt).

Bên cạnh đó Xe hơi tự lái và tự đỗ - Tesla đã làm được rất nhiều việc để giúp đỡ các bác tài. Và cũng có rất nhiều ứng dụng ngoài kia đang thu thập thông tin về những bãi đỗ xe lân cận và sử dụng chúng để nói cho người lái xe biết nơi có chổ đỗ xe trống. Nó không phải là không tưởng để kết nối dữ liệu này trực tiếp đến chiếc xe có khả năng tự đỗ và tiềm năng là chiếc xe sẽ tìm ra một chổ đỗ và tự đỗ xe bằng khả năng của nó mà không có sự can thiệp nào từ người lái xe. Và hoàn toàn bạn có thể lái một chiếc xe với bộ cảm ứng tích hợp cảnh báo tài xế khi bánh xe xẹp. Và khi lái xe trên đường, người ta đang bắt đầu tận dụng các cảm biến có sẵn trên đa số trên điện thoại thông minh để theo dõi độ gập ghềnh của đường. Tất cả những gì người ta cần là một phần mềm trên thiết bị di động để tính toán kết quả thu được từ các cảm biến này và kết luận về tình trạng đường.

Trong nhà các bạn sẽ là một tủ lạnh thông minh. Chúng ta sẽ mua các mặt hàng rau củ online và công ty cung cấp sẽ đưa đến tận nhà. Tuy nhiên thay vì ngồi từ PC lục lọi từng trang web, ta sẽ làm việc với giao diện của tủ lạnh thông minh do nhà sản xuất thiết kế sẵn – kết nối với các kênh phân phối đã được kiểm định và thậm chí các mặt hàng rau củ sẽ có ID rõ ràng. Chưa hết, chiếc tủ sẽ biết được bên trong nó còn những gì thông qua các khay có cảm biến trọng lượng, cũng như theo dõi được thời hạn sử dụng của từng sản phẩm thông qua ID. Dĩ nhiên, trong tương lai, các nhà sản xuất thậm chí sẽ phải cung cấp cho người dùng các tùy chọn như nhập thêm các cửa hàng quen vào danh sách (miễn sao cửa hàng đó có kênh kết nối trực tuyến), tự động hóa việc đặt hàng mỗi cuối/đầu tuần hay thậm chí là cung cấp thông tin dinh dưỡng của từng chủng loại thực phẩm.

Còn về vấn đề theo dõi và chăm sóc sức khỏe thì sao nhỉ? Khi kết hợp với một số thiết bị theo dõi tình trạng y tế, chẳng hạn các vòng tay theo dõi sức khỏe khá phổ biến hiện nay hay cân điện tử, tủ lạnh sẽ hiện thông báo cảnh báo về tình trạng cân nặng, hay đường huyết mỗi khi một “bệnh nhân” mở tủ lấy ra que kem thứ...3 trong ngày. Khi mới xuất xưởng, các vòng tay hay cân điện tử này có thể vốn chưa được thiết kế để gửi thông tin cho tủ lạnh. Nhưng một phần mềm trên di động, hay trên home server trong nhà, hay trên một dịch vụ đám mây thậm chí là phần mềm được viết trên chính OS của tủ lạnh đó, có thể được thiết kế để tổng hợp thông tin từ tất cả các nguồn này và tiến hành yêu cầu tủ lạnh gửi cảnh báo cho người dùng. Và khi bạn đang được bác sĩ điều trị cho dùng thuốc thì có những Chai đựng thuốc thông minh. Những chai thuốc này theo dõi việc sử dụng thuốc của bạn, không chỉ để chắc chắn rằng bạn đã dùng đúng liều, mà còn cho bác sĩ của bạn biết khi bạn cần nhiều hơn. Và trong đó, những viên thuốc thông minh, cung cấp cho bác sĩ những thông tin tốt hơn về sức khỏe của bạn và hiệu quả của quá trình điều trị đang diễn ra.

Nếu chúng ta suy nghĩ theo các định hướng xưa cũ, trong thế giới mà đầu DVD phải nối với TV bằng cáp, và phải là cáp đúng chủng loại, cắm đúng vị trí.v.v. Việc kết nối giữa thiết bị y tế, cân điện tử và… tủ lạnh ở trên nghe có vẻ khó tin. Nhưng trong thế giới IoT, các lập trình viên sẽ có khả năng kết nối hầu như mọi loại thiết bị được sản xuất hướng tới hệ sinh thái này với nhau, từ đó tạo ra những chức năng hoàn toàn mới mà trước đó có thể chúng ta chưa từng nghĩ tới.

Rõ ràng, Internet of Things có thể thay đổi hoàn toàn cách sống của con người trong tương lai. Khi mọi thứ đã được “Internet hóa”, người dùng hoàn toàn có thể điều khiển chúng từ bất cứ đâu, chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối Internet. Sở hữu những thành tựu trong lĩnh vực này nghĩa là bạn đang nắm giữ trong tay chìa khóa thành công của mọi thời đại. Internet of Things chính là xu hướng của tương lai.

4.    Tính chất của hệ thống IoT

Thông minh

Sự thông minh và tự động trong điều khiển thực chất không phải là một phần trong ý tưởng về IoT. Các máy móc có thể dễ dàng nhận biết và phản hồi lại môi trường xung quanh, chúng cũng có thể tự điều khiển bản thân mà không cần đến kết nối mạng. Tương lai của IoT có thể là một mạng lưới các thực thể thông minh có khả năng tự tổ chức và hoạt động riêng lẻ tùy theo tình huống, môi trường, đồng thời chúng cũng có thể liên lạc với nhau để trao đổi thông tin, dữ liệu.

Việc tích hợp trí thông minh vào IoT còn có thể giúp các thiết bị, máy móc, phần mềm thu thập và phân tích các dấu vết điện tử của con người khi chúng ta tương tác với những thứ thông minh, từ đó phát hiện ra các tri thứcmới liên quan tới cuộc sống, môi trường, các mối tương tác xã hội cũng như hành vi con người.

Kiến trúc dựa trên sự kiện

Các thực thể, máy móc trong IoT sẽ phản hồi dựa theo các sự kiện diễn ra trong lúc chúng hoạt động theo thời gian thực. Một số nhà nghiên cứu từng nói rằng một mạng lưới các sensor chính là một thành phần đơn giản của IoT.

Là một hệ thống phức tạp

Trong một thế giới mở, IoT sẽ mang tính chất phức tạp bởi nó bao gồm một lượng lớn các đường liên kết giữa những thiết bị, máy móc, dịch vụ với nhau, ngoài ra còn bởi khả năng thêm vào các nhân tố mới.

Vấn đề không gian, thời gian

Trong IoT, vị trí địa lý chính xác của một vật nào đó là rất quan trọng. Hiện nay, Internet chủ yếu được sử dụng để quản lý thông tin được xử lý bởi con người. Do đó những thông tin như địa điểm, thời gian, không gian của đối tượng không mấy quan trọng bởi người xử lý thông tin có thể quyết định các thông tin này có cần thiết hay không, và nếu cần thì họ có thể bổ sung thêm. Trong khi đó, IoT về lý thuyết sẽ thu thập rất nhiều dữ liệu, trong đó có thể có dữ liệu địa điểm, và việc xử lý dữ liệu đó để có thể mang lại những hiệu quả thông minh hơn khi trong những tình huống không cần đến sự can thiệp của con người.

5.    Các thiết bị IoT giao tiếp với nhau ra sao?

Để thu thập dữ liệu, các thiết bị phải kết nối được với nhau. Điều đó đã rõ. Nếu là sản phẩm của một nhà sản xuất thì không thành vấn đề, nhưng các thiết bị của các nhà sản xuất khác nhau sẽ không “nói chuyện” được với nhau. Nếu một gia đình sử dụng đồng thời giải pháp nhà thông minh và thiết bị tưới cây thông minh, họ sẽ phải sử dụng hai bộ điều khiển và hai ứng dụng di động điều khiển khác nhau. Điều gì sẽ xảy ra khi gia đình này muốn sử dụng thiết bị của mười nhà sản xuất?

Nguyên do là chưa hình thành một chuẩn chung để kết nối tất cả các thiết bị IoT. Nếu bạn muốn tưới cây thông minh kết nối với bộ điều khiển nhà thông minh và ngược lại, ít nhất là nhà sản xuất sẽ phải chỉnh sửa phần mềm trên thiết bị của họ. Nói cách khác là làm cho thiết bị đó có thể “nói nhiều hơn một ngôn ngữ”.

Trong quá trình phát triển các ứng dụng IoT (Internet of Things), việc lựa chọn chuẩn giao thức kết nối sao cho hợp lý là một vấn đề khá đau đầu với các kỹ sư điện - điện tử. Hiện nay có nhiều công nghệ giao tiếp được biết đến như Wifi, Bluetooth, Zigbee và mạng di động 2G/3G/4G... Các giao thức giao tiếp không dây trong thế giới IoT được thiết kế để thỏa mãn các yêu cầu cơ bản: 

·         Tiêu tốn ít năng lượng cho việc thu/phát sóng, 

·         Tiêu tốn ít băng thông (để giảm gánh nặng cho router và hệ thống mạng)

·         Hoạt động trong mạng mắt lưới

6.    Internet of Things là tương lai của thế giới

Mặc dù đã manh nha từ lâu nhưng kỷ nguyên Internet of Things chỉ thực sự được sự được chú ý và bùng nổ trong những năm gần đây, sau sự phát triển của smartphone, tablet và những kết nối không dây… Và ngay sau khi nhận được sự chú ý của cộng đồng, IoT đã cho thấy tiềm năng của mình với những số liệu đáng kinh ngạc.

Là “một trong những phát kiến quan trọng và quyền lực nhất của loại người”, Cisco IBSG, nhà cung cấp giải pháp và thiết bị mạng hàng đầu hiện nay dự báo: Đến năm 2020, sẽ có khoảng 50 tỷ đồ vật kết nối vào Internet, bao gồm hàng tỷ thiết bị di động, tivi, máy giặt, … Để thấy được sự phát triển của lĩnh vực này, họ cũng đưa ra số liệu vào năm 1984, khi mà Cisco mới thành lập mới chỉ có khoảng 1.000 thiết bị được kết nối mạng toàn cầu, đến năm 2010, con số này đã lên mức 10 tỷ.

Intel, đơn vị mới tham gia vào thị trường sản xuất chip cho các thiết bị thông minh phục vụ IoT cũng đã thu về hơn 2 tỷ USD trong năm 2014 từ lĩnh vực này, tăng trưởng 19% so với năm 2013.

Những con số khẳng định IOT là xu hướng của tương lai

Internet of Things đến năm 2020 dự kiến sẽ đạt đến:

+ 4 tỷ người kết nối với nhau

+ 4 ngàn tỷ USD doanh thu

+ Hơn 25 triệu ứng dụng

+ Hơn 25 tỷ hệ thống nhúng thông minh

+ 50 ngàn tỷ Gigabytes dữ liệu 

Tác động của IoT rất đa dạng, trên các lĩnh vực: quản lý hạ tầng, y tế, xây dựng và tự động hóa, giao thông….

Cụ thể với lĩnh vực sản xuất - chế tạo, hiện theo thống kê của PwC, đã có 35% nhà sản xuất sử dụng cảm biến thông minh, 10% dự kiến sẽ sử dụng và 8% có kế hoạch sử dụng các thiết bị thông minh này trong 3 năm tới.

Trong lĩnh vực dầu khí, khai thác mỏ, dự kiến sẽ có 5,4 triệu thiết bị IoT được triển khai tại các cơ sở khai thác tới năm 2020. Chủ yếu sẽ là các bộ cảm biến kết nối Internet giúp cung cấp thông tin về môi trường. Dầu khí là một trong những ngành công nghiệp chủ chốt ứng dụng IoT trên diện rộng tới năm 2020.

Trong khi đó, xe hơi kết nối đang là xu hướng nổi bật của thiết bị IoT hiện nay. Dự tính tới năm 2020, sẽ có hơn 220 triệu xe kết nối lưu thông trên đường.

Về bảo hiểm, 74% lãnh đạo trong ngành bảo hiểm tin rằng IoT sẽ thay đổi cơ bản chính sách bảo hiểm trong 5 năm tới, 74% có kế hoạch đầu tư phát triển và thực hiện các chiến lược về IoT - theo một nghiên cứu của SMA Research.

Còn với quốc phòng, chi tiêu cho các thiết bị bay không người lái dự kiến sẽ đạt 8,7 tỉ USD vào năm 2020. Ngoài ra, theo dự báo của Frost & Sullivan, sẽ có khoảng 126.000 robot quân sự sẽ được triển khai vào năm 2020.

Về nhà kết nối, tới năm 2030, phần lớn các thiết bị trong gia đình sẽ được kết nối Internet. Các nhà sản xuất cũng sẽ trang bị tính năng kết nối cho bất cứ vật dụng nào mà họ sản xuất ra.

Lĩnh vực nông nghiệp cũng không nằm ngoài vòng xoáy IoT. Dự kiến sẽ có 75 triệu thiết bị IoT được triển khai trong lĩnh vực này vào năm 2020, với tỉ lệ tăng hàng năm đạt 20%. Chủ yếu đó sẽ là những bộ cảm biến đặt trong lòng đất để theo dõi độ axit, nhiệt độ và các thông số giúp canh tác vụ mùa hiệu quả hơn.

Trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, sẽ có 310 triệu thiết bị IoT được các công ty cung cấp dịch vụ ăn uống sử dụng vào năm 2020. Phần lớn các thiết bị này sẽ kết nối thông tin tới quầy bán thực phẩm và các công ty sản xuất đồ ăn nhanh.

 

Vì thế, Internet of Thing đang là chìa khóa của thành công trong tương lai.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của IoT có thể được đẩy mạnh nhờ một loạt diễn tiến trong ngành công nghiệp như: Chi phí cho các hệ thống tích hợp, thiết bị cảm biến và ứng dụng giảm mạnh – giá thành của các hệ thống, thiết bị cảm biến và tích hợp ngày càng giảm do tác động của sự mở rộng về quy mô nền kinh tế và thị trường toàn cầu hóa. Ví dụ như chi phí của một thẻ nhận dạng RFID đã giảm tới 40% xuống mức 10 cents (khoảng 2.200 đồng) trong năm ngoái. 

Bên cạnh đó, công nghệ không dây đáp ứng đa tiêu chuẩn đang giúp giảm giá thành các mặt hàng thiết bị kết nối không dây; và những giao thức Internet mới đã giúp hiện thực hóa việc kết nối hàng tỷ thiết bị vào mạng lưới Internet.

Hiện trên thị trường đang có ngày càng nhiều thiết bị di động giá rẻ, sự cải thiện về điều kiện kinh tế của nhóm khách hàng Châu Á đã dẫn đến sự gia tăng theo cấp số nhân về sử dụng thiết bị di động ở khu vực này.

7.    Những thách thức mà Internet of Things đang đối mặt

Chúng ta đã đề cập rất nhiều đến cơ hội trong tương lai của IoT. Vậy còn những thách thức thì sao?

An ninh bảo mật vẫn là mối lo ngại lớn nhất đối với mỗi người trong hệ sinh thái IoT. Đây là một khía cạnh quan trọng bậc nhất trong hệ sinh thái IoT. Các lời cảnh bảo về tính an toàn của các thiết bị IoT thường xuyên được nhắc đi nhắc lại từ các chuyên gia bảo mật. Nếu những thiết bị thông minh này bị chiếm quyền điều khiển hoặc đơn giản là hoạt động của chúng bị làm cho gián đoạn, ắt hẳn hậu quả sẽ không dễ xử lý chút nào.  Bạn có biết rằng 69% người tiêu dùng Mỹ nghĩ rằng họ nên sở hữu dữ liệu cá nhân trên tất cả các thiết bị kết nối Internet của riêng họ? Những thông tin này cho thấy rõ những mối nguy của IoT phổ biến còn tồn tại.

Sự cố lặp lại với quy mô lớn dữ liệu bị đánh cắp đã chứng minh rằng thậm chí cả việc bảo vệ đa tầng cũng không toàn diện. Vấn đề sẽ trở nên khó khăn hơn trong thế giới liên kết IoT. Vì lý do này, cần phải có sự tập trung hơn nữa vào việc đảm bảo rằng danh tính bị đánh cắp không thể sử dụng được bởi bất kỳ ai ngoài chủ sở hữu.

Về mặt thiết kế, sự lây lan của dữ liệu cá nhân và thông tin khiến cho nó dễ bị tấn công hơn và các phần mềm độc hại khác. Các thiết bị y tế kết nối có thể thu thập dữ liệu, tự động quy trình và thực hiện nhiều công việc khác. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ tin tặc hack vào các thiết bị này khiến cho bệnh nhân gặp nguy hiểm.

Tương lai của IoT hiện nay, và chúng ta đang sống trong một thời đại thay đổi liên tục trong cách chúng ta làm mọi thứ. Phạm vi của IoT sẽ tiếp tục phát triển, và chúng ta phải học cách thích ứng với hình thức truyền thông Internet mới này. Đó là lý do tại sao việc triển khai các chiến lược phù hợp để giữ cho thông tin nhận dạng cá nhân và doanh nghiệp được an toàn, trở nên an toàn hơn bao giờ hết.

Khi tự động hóa có kết nối internet được triển khai đại trà ra nhiều lãnh vực, IoT được dự báo sẽ tạo ra lượng dữ liệu lớn từ đa dạng nguồn, kéo theo sự cần thiết cho việc kết tập dữ liệu nhanh, gia tăng nhu cầu đánh chỉ mục, lưu trữ, và xử lý các dữ liệu này hiệu quả hơn.  Cơ sở hạ tầng cho trung tâm dữ liệu, cũng như các công cụ quản lý và phân tích dữ liệu kiểu truyền thống không được thiết kế cũng như không còn phù hợp để xử lý nổi khối lượng dữ liệu có cấu trúc phức tạp hoặc thâm chí không có cấu trúc nhất định được tạo ra bới những thiết bị kết nối. Theo dự báo của Gartner, dữ liệu sẽ tăng 800% về dung lượng trong 5 năm tới và trong số đó, có tới 80% sẽ là dữ liệu phi cấu trúc. Loại dữ liệu này đòi hỏi nhiều kỹ thuật IT và tài nguyên phần cứng hơn.

Khối lượng dữ liệu đồ sộ được tạo ra cũng đặt ra những thách thức mới cho các nhà hoạch định IT. Giờ đây các giám đốc Công nghệ Thông tin cần phải xem xét việc làm thế nào để họ có thể vừa truyền tải và lưu trữ dữ liệu một cách an toàn, vừa đảm bảo hỗ trợ được chiến lược của các bên liên quan tại các đơn vị kinh doanh khác trong cùng một tổ chức. Giờ đây, hơn bao giờ hết, những nhà Quản lý Trung tâm Dữ liệu đang phải chịu sức ép lớn làm sao để tăng ổn định hiệu suất giữa các ứng dụng và mực độ tin cậy thông qua các giải pháp tích hợp.

Vấn đề quan trọng nữa là chưa có một ngôn ngữ chung. Ở mức cơ bản nhất, Internet là một mạng dùng để nối thiết bị này với thiết bị khác. Với các thiết bị IoT chúng phải đảm đương rất nhiều thứ, phải nói chuyện với nhiều loại máy móc thiết bị khác nhau. Đáng tiếc rằng hiện người ta chưa có nhiều sự đồng thuận về các giao thức để IoT trao đổi dữ liệu.

------------------------------------------ Hết Chương 1 ------------------------------------------

Tài liệu này bao gồm 20 chương, sẽ lần lượt publish đến cho các bạn, bao gồm:

1.           Khái niệm và xu hướng Internet of Things trên thế giới

2.           Kiến trúc và các thành phần của một hệ thống IoT

3.           Dữ liệu IoT – Big Data

4.           Các ngôn ngữ lập trình IoT

5.           Thiết kế mạch điện tử – Phần cứng IoT

6.           Lập trình vi điều khiển – Firmware IoT

7.           Hệ thống nhúng kết nối Internet

8.           Các IoT platform sẵn có và thông dụng

9.           Giao tiếp thiết bị với máy tính và điện thoại

10.      Làm việc với các loại cảm biến thông dụng

11.      Các giao thức (protocol) trong IoT

12.      Kết nối thiết bị với Cloud Server

13.      Hiển thị và điều khiển thiết bị từ Smartphone

14.      Hiển thị và điều khiển thiết bị từ Website

15.      Các giải pháp ứng dụng IoT

16.      Vấn đề an toàn bảo mật trong thế giới IoT

17.      Thiết kế một dự án mẫu IoT

18.      Lập trình cho dự án mẫu IoT

19.      Tích hợp dữ liệu cho dự án mẫu IoT

20.      Thiết kế xây dựng dự án IoT SmartHome hoàn chỉnh cho chính bạn 

Nguồn website gốc của tài liệu này, các bạn có thể tìm thấy đầy đủ tại địa chỉ: www.vnezlink.com/FreeDocs

 

 

 

Đăng nhập