01/07/2023
0

Tổng Giám đốc Intel: "Tự chủ chip là giấc mơ lớn và đúng đắn của Việt Nam"

Tổng Giám đốc nhà máy Intel Products Vietnam cho rằng tự chủ chip là giấc mơ lớn và đúng đắn nhưng trước mắt nên tránh đặt mục tiêu quá lớn.

Năm 2006, Intel trở thành nhà đầu tư công nghệ cao nước ngoài đầu tiên vào TP HCM. "17 năm qua là một hành trình thần kỳ. Việt Nam đã chuyển mình, hưng thịnh hơn rất nhiều. Các nhà đầu tư quốc tế đến đây đều mong muốn có một chỗ đứng, bệ phóng vững chắc ở Việt Nam", ông Kim Huat Ooi, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam, nhận xét.

Bên cạnh Intel, một số nhà sản xuất chip lớn đã đặt nhà máy ở Việt Nam, hình thành chuỗi cung ứng bán dẫn rộng mở. Một số tập đoàn công nghệ trong nước như FPT, Viettel đang đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn, đặt mục tiêu xuất khẩu hàng chục triệu chip 'Made in Vietnam' ra thế giới. Hồi tháng 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình về sản xuất chip điện tử.

Lợi thế của Việt Nam

Ông Kim Huat Ooi cho biết khi Intel mới đến Việt Nam, hầu hết nguyên vật liệu phải nhập khẩu. Còn hiện nay, hơn 200 nhà cung ứng địa phương đang làm việc với nhà máy. Đây là tiền đề quan trọng hỗ trợ cho quy trình khép kín để tự chủ nguồn chip.

"Việc chính phủ, công ty Việt Nam nghĩ lớn và tham vọng tự chủ nguồn chip là hoàn toàn đúng đắn. FPT đã thiết kế được nhiều vi điều khiển rất tốt dành cho những ứng dụng đặc thù. Tương lai Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để làm ra nhiều chip hơn", ông nói.

Ông Kim Huat Ooi, Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam

Ông tiết lộ trước khi đặt nhà máy tại Việt Nam, họ đã được nhiều quốc gia khác trong khu vực chào mời. Tuy nhiên, một trong những lý do quan trọng khiến họ quyết định chọn TP HCM để xây dựng nhà máy vào năm 2006 là sự ổn định của hệ thống chính trị. Thời gian dài hoạt động ở Việt Nam đã chứng minh nhận định này của Intel.

Ngay trong Covid-19, nhiều chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy, nhưng nhà máy Intel Việt Nam vẫn hoạt động ổn định. Năm 2021, giá trị xuất khẩu của nhà máy tăng 25% so với giai đoạn trước đại dịch. Trong quý I/2023, Intel chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Khu công nghệ cao TP HCM, đóng góp 15% kim ngạch xuất khẩu linh kiện, điện tử của cả nước.

Nhà máy hiện sản xuất hơn 50% sản lượng đóng gói kiểm định chip xuất đi toàn cầu, xuất xưởng hơn 3,5 tỷ đơn vị sản phẩm, trong đó có vi xử lý Intel thế hệ 13 mới và sẵn sàng tham gia vào quy trình sản xuất vi xử lý Meteor Lake từ cuối 2023.

Ông Kim Huat Ooi nhiều lần nhắc về sự ổn định của Việt Nam kể cả trong giai đoạn thách thức nhất. "Có thể thấy trong tương lai, các chuỗi cung ứng địa phương sẽ dần hình thành, có thể hoạt động độc lập. Khi lượng đầu tư công nghệ cao tăng lên, quy mô chuỗi cung ứng, chi phí sản xuất sẽ càng thấp và đem lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp trong nước. Chính phủ Việt Nam có thể dựa vào điều này để đẩy nhanh tham vọng tự sản xuất chip".

Bài toán phải giải quyết

Với kinh nghiệm gần 40 năm trong lĩnh vực bán dẫn, ông Kim Huat Ooi cũng cảnh báo ước mơ lớn là đúng nhưng cần tránh việc quá tham vọng khiến đầu tư vào những mảng không tối ưu, lãng phí tiền bạc. Mỗi quốc gia nên tập trung vào lĩnh vực mình có lợi thế thay vì đầu tư dàn trải. Tự chủ sản xuất chip là mục tiêu quan trọng nhưng tiêu tốn nguồn lực. Doanh nghiệp trong nước cũng cần thiết kế những chip phù hợp với khả năng và nhu cầu thực tế, phù hợp với những ứng dụng cần thiết.

Một thách thức khác được chỉ ra là nhân sự. Ngành chip yêu cầu độ phức tạp cao và năng lực kỹ thuật, công nghệ để giải quyết những vấn đề mới. "Nếu nhìn vào hệ thống giáo dục hiện nay của Việt Nam, chúng ta đang thấy nguồn lực chủ yếu tập trung vào đào tạo cử nhân. Để bước chân vào ngành chip, cần có nhiều hơn các nhà nghiên cứu bậc sau đại học, tiến sĩ", lãnh đạo Intel nói. "Để thiết kế chip của riêng mình, các kỹ sư cần nhiều kỹ năng R&D".

Theo ông, đầu tư vào nhân lực cần thời gian, tốn kém nhưng về lâu dài chắc chắn là khoản sinh lời. Để có thể tự chủ sản xuất, Việt Nam cần có sẵn những nhân tài phù hợp. Do đó, cấp đào tạo đại học cần thiết kế thêm những giáo trình mới. Ông Kim Huat Ooi cho biết ngoài Intel, các doanh nghiệp FDI lớn đầu tư vào Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng đến việc liên kết với trường đại học để cải tiến giáo trình, bồi dưỡng nhân tài.

Kỹ sư người Việt làm việc trong nhà máy Intel Products

"17 năm trước, chúng tôi vào Việt Nam và bắt đầu tìm kiếm những lao động cơ bản đầu tiên. Giờ đây, nhà máy đã liên tục cử kỹ sư người Việt đến Mỹ để làm việc, phát triển công nghệ chuyên ngành. Nhiều sáng kiến của các tài năng trong nước đã được cấp bằng sáng chế tại Mỹ, góp phần quan trọng vào việc cải tiến hiệu suất nhà máy", Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam cho hay.

Ngoài nhân sự, ông đặc biệt lưu ý đến cơ sở hạ tầng, giao thông, như vấn đề thiếu điện diễn ra ở một số địa phương trong tháng 6. Theo ông, vấn đề đã được giải quyết nhưng về lâu dài, các bên liên quan cần có kế hoạch cụ thể, trao đổi với nhau để đảm bảo nguồn điện ổn định.

Ông cũng đặt Việt Nam trong bối cảnh quốc tế sau đại dịch, khi nhiều quốc gia lân cận đang có chính sách ưu đãi nhằm lôi kéo nhà đầu tư quốc tế lớn đến xây dựng chuỗi cung ứng. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần có chính sách phù hợp để giữ chân nhà đầu tư cũ trong khi thu hút thêm nhà đầu tư mới.

"Thế giới đang thay đổi. Nhiều quốc gia trỗi dậy, thu hút nhà đầu tư lớn quay về. Tại Việt Nam, chúng tôi đang có hiệu suất kinh doanh tốt. Intel mong muốn tiếp tục đầu tư và đóng góp ngược lại cho xã hội Việt Nam", ông nói.

Đăng nhập