17/03/2023
0

Việt Nam trước cơ hội tham gia chuỗi cung ứng chip toàn cầu

Việt Nam đang có cơ hội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước và tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng chip bán dẫn toàn cầu.

Đây là nhận dịnh của một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này, Nhất là trong bối cảnh sự bùng phát của Covid-19 trên toàn thế giới đã khiến sản lượng sản xuất chip giảm, đặc biệt là ở các nước châu Á, bao gồm cả nguồn cung chip điện tử giảm mạnh. Khi đại dịch bắt đầu, các nhà sản xuất ô tô đã đóng cửa các nhà máy và tạm ngừng sản xuất xe. Trong khi đó, việc cách ly cộng đồng và làm việc, học online đã khiến nhu cầu tăng vọt về các thiết bị điện tử. Khi nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tử tăng lên, đồng nghĩa với việc nhu cầu về chip nhiều hơn. Các nhà sản xuất chip bắt đầu cung cấp thêm chip để đáp ứng nhu cầu và chuyển sang tập trung sản xuất nhiều hơn các loại chip mới, mang lại nhiều lợi nhuận hơn.

Dù chỉ lớn vài mm, nhưng chip điều khiển nguồn quan trọng như trái tim, vận chuyển máu đến các bộ phận trong cơ thể vậy, vì nó giúp truyền tải điện đến các thiết bị trong bo mạch.

"Con chip của chúng tôi được thiết kế ở Việt Nam, sản xuất tại Hàn Quốc, đóng gói tại Đài Loan (Trung Quốc) và xuất cho khách hàng ở Australia. Hiện chúng tôi đang gặp một số khách hàng của những nhà máy sản xuất camera, máy in. Những chip của họ đơn giản thôi nhưng không ai cung cấp cả vì nó là đời cũ. Các công ty lớn họ tập trung làm các công nghệ cao. Bản thân họ cũng bị ảnh hưởng, nên chúng tôi đưa vào là họ dùng luôn. Những nhu cầu như thế rất cao", ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT IS, cho biết.

Thiếu hụt chip cấp thấp chính là cơ hội cho các công ty sản xuất chip Việt Nam. Một số công ty trong nước cũng đã "rục rịch" bước chân vào thị trường tỷ USD này.

Tiên phong trong lĩnh vực này là Viettel, doanh nghiệp này chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ được tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa, hướng tới xuất khẩu. Trước đó, từ năm 2018, Viettel đã đầu tư 40 triệu USD để tiến hành việc nghiên cứu và sản xuất chip.

FPT Semiconductor (công ty con của FPT) dự kiến cung ứng ra thị trường toàn cầu 25 triệu đơn vị chip, đưa ra thị trường thêm 7 dòng chip khác nhau trong năm 2023.

Ngoài FPT, Viettel thì CMC cũng đã có những bước tiến cụ thể trong việc sản xuất chip.

"Chúng tôi đã có sản phẩm thương mại hóa, nhưng nó ẩn ở phía sau. Ví dụ như camera nhận diện khuôn mặt, công nghệ nền tảng của nó là FPGA, toàn bộ công nghệ nhận dạng đã được cứng hóa. Nếu có sản lượng lớn, chúng tôi sẽ thuê đơn vị thứ 3 đúc ra con chip của mình", ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC, cho hay.

Viettel cùng Qualcomm đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu, tối ưu chip ASIC cho trạm thu phát sóng 5G đầu tiên trên thế giới sử dụng dòng chip này.

Đây là bước đột phá, giúp xóa bỏ sự lệ thuộc vào chipset độc quyền của các nhà sản xuất thiết bị khác trên thế giới, mở ra rất nhiều tự chủ công nghệ cho Việt Nam.

Đăng nhập