Trong chuyến đi quan trọng này, ông Yoon được dự đoán sẽ thuyết phục Tokyo dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu nguyên vật liệu sản xuất chip sang Hàn Quốc và điều chỉnh vị trí của họ trong chuỗi cung ứng.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Park Ki Soon, việc hòa giải nếu thành công sẽ đẩy nhanh quá trình “gạt” Trung Quốc ra bên lề chuỗi cung ứng toàn cầu và sản xuất chip tiên tiến. Ông Park cho biết sản xuất bán dẫn đang nằm trong tay của Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan và Đài Loan (Trung Quốc). Chuỗi cung ứng bán dẫn sẽ ổn định hơn, trong khi Trung Quốc bị cô lập.

Điều này nhấn mạnh áp lực ngày một lớn của Mỹ lên bán dẫn Trung Quốc sau khi Washington áp đặt lệnh cấm hồi tháng 10/2022 đối với khả năng tiếp cận chip hiện đại của Bắc Kinh. Trước đó tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 8/2022 cũng ký Đạo luật CHIPS và Khoa học để củng cố năng lực sản xuất công nghệ cao trong nước.

Cùng với Nhật Bản và Đài Loan. Hàn Quốc hiện là một phần của Liên minh Chip 4 do Mỹ hậu thuẫn. Trung Quốc chỉ trích liên minh vì loại trừ nước này ra khỏi chuỗi cung ứng bán dẫn.

Vào tháng 1, Mỹ được cho là đã đạt thỏa thuận với Hà Lan và Nhật Bản để hạn chế xuất khẩu một số máy móc sản xuất chip tiên tiến cho Trung Quốc. Dù chưa có thông tin chính thức nào được công bố, chính phủ Hà Lan gần đây thông báo sẽ giới thiệu các lệnh cấm xuất khẩu công nghệ bán dẫn trước mùa hè.

Theo SCMP, Trung Quốc đặc biệt nhạy cảm với tình hình của Hàn Quốc do Seoul quan trọng đối với nỗ lực tự chủ bán dẫn của Bắc Kinh. Các nhà sản xuất chip nhớ Samsung và SK Hynix đều đặt nhà máy tại Trung Quốc, giúp đất nước tham gia vào chuỗi giá trị xuyên biên giới.

Theo nhận xét của Giáo sư Kim Dae Jong đến từ Đại học Sejong, nếu Hàn – Nhật bình thường hóa quan hệ, việc nhập khẩu vật liệu, linh kiện và thiết bị bán dẫn của Hàn Quốc sẽ cải thiện đáng kể. Dù vậy, rời xa Trung Quốc cũng dẫn đến những tổn thất lớn cho Hàn Quốc.

Ông Kim chỉ ra, 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc là chip, trong đó 60% xuất khẩu sang Trung Quốc. Nếu Hàn Quốc đi theo tiếng gọi của Mỹ, họ có thể thiệt hại tới 50 nghìn tỷ won (37,89 tỷ USD) giá trị đầu tư tại Trung Quốc.

Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu từ Hàn Quốc của Trung Quốc giảm 29% trong hai tháng đầu năm nay. Nhập khẩu từ Đài Loan giảm 30,9%, từ Nhật Bản giảm 23,1% trong cùng kỳ, báo hiệu sự chia tách ngày một lớn giữa Bắc Kinh và láng giềng.

Bắc Kinh có thể đón thêm tin xấu vào tháng sau khi ông Yoon có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ. Ông sẽ gặp người đồng cấp Joe Biden tại Nhà Trắng trong hội nghị song phương, dự kiến bao gồm các cuộc thảo luận về quan hệ an ninh và kinh tế giữa hai quốc gia.