Hoạt động trong văn phòng mới của Infineon Việt Nam tại Hà Nội, đội ngũ phát triển chip điện tử dự kiến sẽ có khoảng 25 chuyên gia kỹ thuật vào cuối năm nay. Lực lượng này sẽ tập trung vào việc kiểm thử và tùy chỉnh các mạch kỹ thuật số, mạch tín hiệu analog và tích hợp, hỗ trợ các ứng dụng lái xe tự động, giám sát và cân bằng pin.
Các hoạt động của đội ngũ phát triển chip tại Hà Nội được quản lý bởi Infineon Technologies Việt Nam, công ty con trực thuộc Infineon Technologies châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Hartmut Hiller, Phó Chủ tịch điều hành bộ phận Thiết kế và các dịch vụ hỗ trợ (DES), Infineon Technologies AG cho biết, Trung tâm phát triển mới tại Hà Nội sẽ giúp DES đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng liên quan đến kiểm thử chức năng và thiết kế mạch tùy chỉnh cho các giải pháp về hệ thống trên chip của Infineon.
Các nhân sự mới này sẽ góp phần quan trọng trong việc đưa nơi đây trở thành một trung tâm nghiên cứu và phát triển tiêu chuẩn quốc tế, tương tự như các trung tâm R&D quốc tế của Infineon hiện đặt tại Munich (Đức), Villach (Áo), Bangalore (Ấn Độ) và Singapore.
Trung tâm phát triển mới tại Hà Nội được nhận định sẽ giữ vai trò quan trọng trong các kế hoạch tăng trưởng của bộ phận thiết kế và các dịch vụ hỗ trợ, Infineon Technologies AG. Trong giai đoạn đầu, DES sẽ tập trung vào chuyên môn và năng lực về hệ thống trên chip SoC, tìm kiếm các chuyên gia cho kiểm thử chức năng và thiết kế mạch tùy chỉnh.
Chip vi điều khiển cho các ứng dụng về ô tô cũng là hoạt động phát triển mới khác của trung tâm tại Hà Nội, trước mắt sẽ hoạt động dựa trên sự kế thừa kinh nghiệm và hoạt động từ các trung tâm chính của Infineon tại Munich (Đức), Dublin (Ireland) và Singapore. Nhóm phát triển vi điều khiển tại Hà Nội sẽ tập trung bước đầu vào công tác kiểm thử.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT nhận định việc Infineon Technologies AG lập trung tâm phát triển chip điện tử tại Việt Nam là tín hiệu đáng mừng. “Trong bối cảnh nhiều khó khăn, các tập đoàn đang sắp xếp lại chuỗi sản xuất, mở ra cơ hội cho nhiều quốc gia bao gồm cả Việt Nam. Nhận thức được xu hướng dịch chuyển này, chúng tôi đã có sự chuẩn bị để đón làn sóng đầu tư”, ông Đỗ Nhất Hoàng chia sẻ.
Theo ông C.S. Chua, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Infineon Technologies châu Á – Thái Bình Dương nhận xét: “Việt Nam nổi lên như một nhân tố quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành điện tử với các khoản đầu tư kỷ lục vào ngành sản xuất những năm gần đây. Với dân số gần 100 triệu người và cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam đang phát triển thành một thị trường trọng điểm và trở thành điểm đến ưu tiên của các tập đoàn đa quốc gia trong việc tìm kiếm nhân tài kỹ thuật”.
Trước đó, trong tọa đàm “Tăng cường hợp tác đầu tư với Trung tâm vi điện tử liên đại học - IMEC và Việt Nam” hồi trung tuần tháng 5, đại diện Bộ TT&TT cho biết, phần quan trọng trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn toàn cầu có sự tham gia của nhiều bên và Việt Nam định hướng trở thành một phần trong chuỗi cung ứng này.