Theo nguồn tin của Reuters cho biết gói hỗ trợ một nghìn tỷ nhân dân tệ này của chính phủ Trung Quốc sẽ bắt đầu trong quý I/2023, có thể là gói thúc đẩy ưu đãi chính lớn nhất trong 5 năm tới mà Bắc Kinh đổ vào ngành bán dẫn. Trước đó, các nhà phân tích cũng đã dự đoán về việc Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động để định hình lại tương lai ngành công nghiệp chip.
Phần lớn khoản hỗ trợ sẽ được dùng để mua các thiết bị bán dẫn trong nước. Với gói ưu đãi, chính phủ Trung Quốc muốn tăng cường hỗ trợ các công ty nội địa mở rộng quy mô sản xuất, lắp ráp, đóng gói và nghiên cứu phát triển công nghệ bán dẫn. Những chính sách riêng về thuế cho ngành này cũng sẽ sớm được triển khai.
Theo các nhà phân tích, cả công ty tư nhân lẫn doanh nghiệp nhà nước đều sẽ được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi của chính phủ Trung Quốc. Một số cổ phiếu chip của các công ty ở đây đã tăng mạnh sau tin tức trên.
Với việc chi tiêu nhiều hơn, chính phủ Trung Quốc có thể chống lại các áp lực từ bên ngoài. Ngành bán dẫn trong nhiều năm được dẫn dắt bởi các công ty có trụ sở tại Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan. Một số doanh nghiệp Trung Quốc đã nổi lên trong 20 năm qua nhưng vẫn còn thua xa các đối thủ. Ví dụ, tập đoàn Thiết bị Điện tử Vi mô Thượng Hải (SMEE), công ty in thạch bản duy nhất của Trung Quốc có thể sản xuất chip 90 nanomet, còn kém xa so với ASML của Hà Lan, công ty đang sản xuất chip có kích thước chỉ 3 nanomet.
Kế hoạch hỗ trợ được đưa ra sau khi chính phủ Mỹ công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hồi tháng 10. Mỹ cũng vận động một số đối tác Nhật Bản, Hà Lan hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc. Trước đó vào tháng 8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký đạo luật mang tính bước ngoặt, hỗ trợ 52,7 tỷ USD cho việc nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn của Mỹ.