Tại buổi lễ khánh thành Trung tâm R&D của Samsung sáng 23/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Trung tâm R&D của Samsung là một ví dụ cho sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong 30 năm qua. Thủ tướng Chính phủ cũng mong sau khi có trung tâm mới, Samsung tiến hành sản xuất chip tại Việt Nam, giúp hoàn thành mục tiêu khép kín chuỗi sản xuất trong lĩnh vực điện tử trong nước.
Thủ tướng mong muốn Samsung "khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn, phấn đấu đặt mục tiêu sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại nhà máy Samsung Thái Nguyên".
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ khánh thành Trung tâm R&D của Samsung
"Đây là bước khởi đầu tốt đẹp cho mục tiêu khép kín chuỗi sản xuất trong lĩnh vực điện tử của tập đoàn tại Việt Nam. Việc này đã được đề nghị nhiều lần. Mong Samsung sau khi có trung tâm R&D sẽ sớm tiến hành sản xuất chip tại Việt Nam", ông nói.
Trước đó, từ tháng 8, trên website của hãng, Samsung cho biết đang chuẩn bị các điều kiện để thử nghiệm sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ giữa năm sau. Theo Nikkei Asia, chất bán dẫn sẽ đánh dấu hoạt động kinh doanh thứ ba của Samsung tại Việt Nam, nơi công ty đang sản xuất thiết bị gia dụng và một nửa số điện thoại thông minh.
Samsung là một tập đoàn rất sáng giá trong lĩnh vực sản xuất chip, bởi tập đoàn này đang đẩy mạnh đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất chip. Vào năm 2020, Samsung Electronics đã công bố mục tiêu trở thành nhà sản xuất chip logic số 1 thế giới vào năm 2030, thông qua việc đầu tư 133.000 tỷ won vào lĩnh vực này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đánh giá Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 20 tỷ USD. Hoạt động hiệu quả của tập đoàn thời gian qua đóng góp quan trọng cho Việt Nam về doanh thu xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, đóng thuế cho ngân sách.
"Trung tâm nghiên cứu và phát triển này sẽ trở thành trung tâm hàng đầu tại Đông Nam Á và trên thế giới, trở thành cứ điểm quan trọng nhất của Samsung trên thế giới", Thủ tướng nhắn gửi đến lãnh đạo tập đoàn Samsung. Ông cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy hợp tác, nghiên cứu cần mang lại giá trị tích cực cho cả hai bên, bằng cách thúc đẩy các dự án công nghệ phù hợp với nhu cầu của Samsung và điều kiện, khả năng của Việt Nam.
Tại Việt Nam, công nghiệp bán dẫn sản xuất chip được coi là nền tảng hỗ trợ và đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu. Đây cũng là lĩnh vực đang được Chính phủ xác định chú trọng đầu tư.
Theo Hội Tự động hóa Việt Nam, mặc dù các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu, thiết kế thành công chip, nhưng đến nay vẫn chỉ nằm trong quy mô phòng thí nghiệm, chưa có nhà máy sản xuất ở quy mô lớn.
Bộ Thông tin và Tuyền thông cho biết Việt Nam đang thúc đẩy đầu tư sản xuất chip để phát triển kinh tế số.
Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa thực sự có một nhà máy sản xuất vi mạch (chip điện tử) nào. Các doanh nghiệp sản xuất chip đến từ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đa phần thực hiện các công đoạn gia công thiết kế vi mạch hoặc lắp ráp, kiểm định là chính.
Trên thực tế, ngành vi mạch Việt còn một khoảng cách rất xa so với các nước phát triển. Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các tập đoàn hàng đầu thế giới như Intel, Qualcomm, Samsung, Sony, Toshiba,... với các dòng chip đã có nhiều năm phát triển và ứng dụng trong các sản phẩm cao cấp như máy tính, điện thoại thông minh, ti vi thông minh.
Trung tâm R&D của Samsung tại Việt Nam
Theo tờ The Washington Post, để xây dựng một nhà máy sản xuất chip lớn thì cần đầu tư vài chục tỷ USD, chủ yếu đầu tư vào các thiết bị chuyên dụng. Hiện nay, ba hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới là Intel, Samsung và TSMC (Đài Loan) chiếm phần lớn trong tổng đầu tư vào ngành sản xuất chip thế giới, với mỗi nhà máy của các hãng này có mức đầu tư hơn 20 tỷ USD.
Do đó, để đầu tư một nhà máy sản xuất chip cần nguồn vốn rất lớn. Chính vì vậy, Việt Nam không thể một mình đầu tư hết mà cần kêu gọi nhà đầu tư trên thế giới để tận dụng những công nghệ tiên tiến sẵn có của họ.
Các chuyên gia nhận định Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới nếu tận dụng tốt yếu tố thuận lợi, có chiến lược phù hợp, chính sách khuyến khích, ưu đãi lớn cho lĩnh vực này. Ông Steve Long, Tổng giám đốc Intel khu vực châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản, nhận định: "Việt Nam có khả năng thiết lập cơ sở hạ tầng và chính sách cần thiết để hỗ trợ các hoạt động sản xuất tiên tiến trong lĩnh vực chip".
Theo ông, môi trường chính trị xã hội ổn định, chính sách thương mại và đầu tư ngày càng tự do hóa cùng lực lượng lao động trẻ và tài năng là lý do khiến Việt Nam số lý do khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là tập đoàn công nghệ lớn. Tuy nhiên, nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm chip cũng là quá trình khó khăn, đòi hỏi chi phí khổng lồ.
Theo đó, việc kêu gọi các nhà sản xuất chip lớn trên thế giới đến Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chip sẽ hỗ trợ cho nền công nghiệp sản xuất chip tại Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam cũng rất mong muốn hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chip. Tính đến nay, Việt Nam đã được Tập đoàn sản xuất chip lớn của Mỹ Intel đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chip hơn 1 tỷ USD ở TP.HCM.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhận được đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất chip từ Hãng sản xuất chip Renesas (Nhật Bản), Applied Micro (Mỹ),… nhưng dự án quy mô còn nhỏ.