Theo hãng tin CNBC, Samsung đã lên kế hoạch đầu tư 300 nghìn tỷ Won, tương đương 228 tỷ USD để xây tổ hợp nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới tại Hàn Quốc trong bối cảnh chính phủ nước này đang tích cực khuyến khích phát triển mảng công nghệ.
Samsung cho biết, nhà máy chip mới sẽ kết nối với những nhà máy gần kề để tạo nên một “siêu khu công nghiệp bán dẫn”.
Thậm chí, chính phủ Hàn Quốc cũng đang hợp tác với nhiều công ty công nghệ lớn để phát triển các mảng công nghệ khác nhau. Sẽ có khoảng 550 nghìn tỷ Won sẽ được các tập đoàn tư nhân đầu tư vào năm 2026 trên các mảng như chip điện tử, ắc quy, xe điện, màn hình...
Tuy nhiên, mảng quan trọng nhất với Hàn Quốc vẫn là bán dẫn, vốn là thành phần chủ chốt cho mọi thiết bị điện tử từ smartphone cho đến xe hơi, nhất là khi sản phẩm này gần đây còn trở thành mục tiêu cho cuộc đua công nghệ trên thế giới.
Với dự án này, người phát ngôn của Samsung cho biết tổ hợp 5 nhà máy này sẽ được xây dựng tại thành phố Yongin gần thủ đô Seoul.
Động thái trên của Hàn Quốc được cho là nối gót Mỹ khi đổ lượng lớn tiền đầu tư phát triển công nghệ kỹ thuật.
Theo kế hoạch, chính phủ Hàn Quốc dự định kết nối tổ hợp bán dẫn này của Samsung với những nhà máy gần kề để tạo nên một “siêu khu công nghiệp bán dẫn”, qua đó kết nối từ thiết kế chip điện tử cho đến mảng sản xuất trong một khu vực.
“Khi lựa chọn địa điểm đặt các nhà máy mới thì chúng tôi đã tính đến hiệu ứng sức mạng tổng hợp cộng dồn từ các nhà máy có sẵn gần đó”, Bộ trưởng thương mại, công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc Lee Chang Yang cười nói.
Samsung hiện là nhà sản xuất chip nhớ điện tử lớn nhất thế giới, trong khi hãng đứng thứ 2 là SK Hynix cũng thuộc Hàn Quốc.
Hãng tin CNBC nhận định những cố gắng của Samsung kèm sự hỗ trợ của chính phủ là nhằm bắt kịp đối thủ TSMC, nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới. Hiện TSMC đang là nhà sản xuất chip theo hợp đồng cho nhiều thương hiệu nổi tiếng như Apple.
Vào tháng 10/2022, Samsung tuyên bố đặt mục tiêu sản xuất những con chip hiện đại nhất thế giới vào năm 2027.
Động thái của Samsung nói riêng và Hàn Quốc nói chung không có gì lạ khi chính phủ Mỹ trước đó đã chi tới 53 tỷ USD hỗ trợ ngành sản xuất bán dẫn, cùng với một chương trình ưu đãi thuế để thúc đẩy ngành chip điện tử trong nước đã hoang phế nhiều năm.
Trong khi đó, TSMC từ lâu đã nhận được đến 150 dự án ưu đãi suốt 10 năm qua. Phía Nhật Bản thì thỏa thuận hợp tác với TSMC để mở nhà máy hàng trăm tỷ USD tại đất nước này để tham gia cuộc đua khi các tập đoàn trong nước không đủ sức.
Tại Châu Âu, chính phủ cũng ban hành bộ luật “European Chip Act” nhằm huy động 46 tỷ USD từ cả tư nhân lẫn đầu tư công cho mảng chip điện tử. Ngay cả đến Ấn Độ cũng đang dồn lực cho mảng bán dẫn này.
Hiện Hàn Quốc vẫn là nước sản xuất chip nhớ điện tử lớn nhất thế giới và mặt hàng này chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên chính quyền Seoul vẫn chưa hài lòng khi quyết định tiếp tục giảm thuế cho các nhà máy bán dẫn lớn, từ mức giảm 8% lên 15%, đồng thời có chính sách hỗ trợ về điện nước, các nguồn tài nguyên cung ứng cho những nhà máy này.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng sẽ chi trực tiếp ít nhất 19 tỷ USD trong 5 năm cho nghiên cứu và phát triển các công nghệ tiên tiến như trí thông minh nhân tạo hay các thế hệ chip điện tử mới nhất. Mục tiêu của nước này là đẩy doanh thu của 10 hãng sản xuất chip lớn nhất trong nước vượt 1 nghìn tỷ Won trong năm 2023.
Phó chủ tịch Ahn Ki Huyn của Hiệp hội công nghệ bán dẫn Hàn Quốc thừa nhận: “Đây là một cuộc chiến cạnh tranh cực kỳ căng thẳng trong mảng xây dựng các nhà máy sản xuất bán dẫn”.