Thẻ thông minh ngày càng được phổ biến rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt là viễn thông và ngân hàng. Tuy nhiên, thông tin từ thẻ thông minh có nguy cơ bị xâm hại bất cứ lúc nào do việc sử dụng các thiết bị đọc thẻ ngoại nhập.
Xuất phát từ thực tế này, kỹ sư Lê Phúc cùng các cộng sự thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC - Đại học Quốc gia TPHCM) đã thiết kế và phát triển thành công lõi IP giao tiếp thẻ thông minh tiếp xúc trên FPGA.
Hiện có nhiều loại thẻ thông minh có mặt trên thị trường: Thẻ từ, thẻ tiếp xúc và thẻ không tiếp xúc. Tuy nhiên, thẻ thông minh tiếp xúc (Tuân thủ theo giao thức ISO/IEC-7816) được sử dụng phổ biết hơn cả trong lĩnh vực viễn thông (thẻ sim di động GMS và CDMA) và lĩnh vực ngân hàng (thẻ Visa, ATM…). Đa phần các thẻ thông minh này được gắn chíp để lưu trữ và truy xuất thông tin khách hàng một cách bí mật thông qua một thiết bị gọi là đầu đọc thẻ.
Mặt khác, chíp sử dụng trên cả hai loại thẻ đặc trưng (thẻ sim và thẻ Visa) về cơ bản là giống nhau, chỉ khác cách lập trình và cách ghép vào miếng PVC (bảng vi mạch) có hình dạng khác nhau. “Chính vì thế, chúng tôi nghĩ đến việc thiết kế một lõi IP đọc được thông tin cả hai loại thẻ nói trên. Đồng thời mong muốn áp dụng lõi IP này vào sản xuất IC hay các đầu đọc thẻ, nhằm thay thế các thiết bị ngoại nhập hiện nay” - kỹ sư Lê Phúc cho biết.
Sự ra đời của lõi IP đọc thẻ thông minh một phần vì mục đích công nghệ, nhưng quan trọng hơn nó nâng cao tính bảo mật thông tin cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng thẻ thông minh. Kỹ sư Lê Phúc nhìn nhận, các thiết bị đọc thẻ mà các nhà cung cấp dịch vụ thẻ đang sử dụng được mua từ nước ngoài. Việc không kiểm tra kỹ xuất xứ và thành phần đầu đọc thẻ có thể dẫn đến việc rò rỉ thông tin của khách hàng, cao hơn là thất thoát tài sản thông qua Internet. Chính vì thế, một khi thiết bị lõi IP của trung tâm được phát triển thành chíp hoặc các đầu đọc thẻ, các nhà cung cấp dịch vụ thẻ tại Việt Nam hoàn toàn có thể thay thế cho các thiết bị từ nước ngoài với chất lượng tương đương.
Đây là đề tài trong chương trình “Vườn ươm sáng tạo khoa học và công nghệ trẻ” năm 2010, được kỹ sư Lê Phúc thực hiện trong hơn 8 tháng với tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 là 80 triệu đồng. Theo thiết kế ban đầu, đầu đọc thẻ thông minh có thể giao tiếp với các thẻ thông minh sử dụng chuẩn ISO/IEC-7816 như: thẻ ngân hàng, thẻ xe buýt, sim điện thoại, Chứng minh thư điện tử…
Tuy vậy, hiện tại lõi IP này mới áp dụng trên hệ thống Demo Smart Card, cho phép đọc thông tin sim điện thoại và Visa chip card. “Bước tiếp theo sẽ phát triển thành chíp, tích hợp vào hệ thống của các nhà cung cấp dịch vụ hoặc sản xuất thành những đầu đọc thẻ độc lập (giá có thể đắt hơn)” - kỹ sư Phúc cho biết thêm.
Theo Tường Hân - Sài Gòn Giải Phóng