15/02/2011
0

Nhu cầu về hệ thống Nhúng

Nhu cầu hệ thống nhúng trên thế giới:


Trong thế giới công nghệ thông tin, các “ông lớn” như IBM, Microsoft, Intel đã chuyển hướng một số bộ phận nghiên cứu phát triển của mình sang làm hệ thống nhúng từ rất sớm. Điển hình là Microsoft với các máy chơi game Xbox, hệ điều hành nhúng Windows CE; Intel với các dòng chip xử lý nhúng như Intel 8008, 8080, 8085, 3000, các thẻ nhớ Nand Flash, các vi điều khiển MCS 51/251, MCS 96/296 …Bên cạnh đó là sự xuất hiện của hàng loạt các nhà sản xuất vi xử lý cho hệ thống nhúng như ARM, Atmel, Renesas…Thị trường hệ thống nhúng có tiềm năng phát triển vô cùng lớn. Theo các nhà thông kê trên thế giới thì số chip xử lý trong các máy PC và các server, các mạng LAN, WAN, Internet chỉ chiếm không đầy 1% tổng số chip vi xử lý có trên thế giới. Hơn 99% số vi xử lý còn lại nằm trong các hệ thống nhúng.Dưới đây là bản đánh giá chi tiết của nhóm nghiên cứu BCC (BCC Research Group) về thị trường hệ thống nhúng toàn cầu đến năm 2009 :“Thị trường hệ thống nhúng toàn cầu đạt doanh thu 45,9 tỷ USD trong năm 2004, và dự báo sẽ tăng 14% trong vòng năm năm tới, đạt 88 tỷ USD.Trong đó thì thị trường phần mềm nhúng sẽ tăng trưởng từ 1,6 tỷ USD năm 2004 lên 3,5 tỷ USD năm 2009, với mức tăng trung bình hằng năm là 16%. Tốc độ tăng trưởng phần cứng nhúng sẽ là 14,2% một năm, đạt 78,7 tỷ USD năm 2009, trong khi lợi nhuận các board mạch nhúng sẽ tăng 10% một năm. 

Tại Châu Á, Nhật Bản đang dẫn đầu về thị trường nhúng và là một trong những thị trường phần mềm nhúng hàng đầu thế giới. Theo thống kê của JISA (Hiệp hội Dịch vụ Công nghệ Thông tin Nhật Bản), phần mềm nhúng hiện nay chiếm tới 40% thị phần phần mềm Nhật Bản, với các sản phẩm rất đa dạng : lò vi ba, máy photocopy, máy in laser, máy FAX, các bảng quảng cáo sử dụng hệ thống đèn LED, màn hình tinh thể lỏng…Năm 2004, thị trường phần mềm nhúng của Nhật Bản đạt khoảng 20 tỷ USD với 150.000 nhân viên. Đây được coi là thị trường đầy hứa hẹn với các đối tác chuyên sản xuất phần mềm nhúng như Trung Quốc, Indonesia, Nga, Ireland, Israel, và cả Việt Nam.

Nhu cầu hệ thống nhúng ở Việt Nam:


Với tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đối với loại hình phần mềm mới mẻ này đang mở rộng. Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) Trương Gia Bình cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang có một số lợi thế. Đó là nguồn nhân lực công nghệ thông tin rẻ và tiếp thu nhanh, có kinh nghiệm làm gia công phần mềm cho nước ngoài, được Chính phủ quan tâm và hỗ trợ phát triển…Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ là “lính mới” trong sân chơi sôi động này.Ở Việt Nam, hệ thống nhúng mới được quan tâm trong thời gian gần đây. Các doanh nghiệp làm phần mềm nhúng cũng chưa nhiều, mới có một số trung tâm thuộc các trường Đại học Quốc gia, Đại học Bách khoa, các đơn vị như Học viện Kỹ thuật quân sự, Viện nghiên cứu Điện tử - Tin học và Tự động hóa, Tổng công ty Điện tử - Tin học, Công ty thiết bị Điện tử y tế, Công ty VTC – Truyền hình số mặt đất và một số công ty phần mềm khác…Các sản phẩm phần mềm nhúng “made in Việt Nam” có lẽ mới chỉ là con số khá khiêm tốn, còn lại là làm gia công cho nước ngoài. Có thể điểm ra một vài sản phẩm tiêu biểu do người Việt làm ra như phần mềm nhúng cho đầu thu kỹ thuật số của Công ty Điện tử HANEL (giải Sao Khuê 2005), Nhúng cá thể hóa thẻ thông minh của Công ty Liên doanh thẻ thông minh MK (giải Sao Khuê 2005)…Con đường để đến với thành công trong sản xuất và xuất khẩu phần mềm nhúng của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều chông gai. Theo ông Phan Văn Hòa, Giám đốc Trung tâm công nghệ của FPT Software, thách thức lớn nhất Việt Nam phải vượt qua hiện nay là chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực mới mẻ này, mới chỉ loanh quanh làm gia công phần mềm, làm thuê theo đơn đặt hàng của nước ngoài, chưa có nhiều trung tâm đào tạo chuyên sâu về hệ thống nhúng. Tại hội thảo về CNTT tổ chức tại Hải Phòng tháng 9-2005, Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam VINASA cho rằng, xây dựng và phát triển phần mềm nhúng là một trong 3 mũi nhọn có thể coi là đột phá cho hướng đi của công nghệ phần mềm Việt Nam, bên cạnh việc phát triển game và các giải pháp ERP. Trong chiến lược phát triển công nghệ thông tin đến năm 2010, phần mềm nhúng được coi là một trong những sản phẩm trọng điểm. 

Theo Dương Anh Quốc

Đăng nhập