06/09/2022
0

Mỹ quyết tâm kìm hãm công nghệ Trung Quốc

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn đang tìm cách thực hiện hàng loạt lệnh cấm nhắm vào lĩnh vực công nghệ Trung Quốc.

Theo Bloomberg, ông Biden được cho là sẽ ký một lệnh hành pháp mới trong "vài tháng tới", chủ yếu đưa ra các biện pháp để hạn chế các công ty Mỹ đầu tư vào dự án công nghệ Trung Quốc.

Một quan chức Bộ Thương mại Mỹ tiết lộ, Nhà Trắng đang xem xét kỹ lưỡng việc cấm nền tảng video ngắn TikTok. Tuy nhiên, người này nhấn mạnh "sẽ không có hành động nào sắp xảy ra trong thời gian gần". Mỹ nhiều lần đưa TikTok vào tầm ngắm với lý do lo ngại đe dọa an ninh quốc gia. Nhiều nghị sĩ Mỹ đề xuất rằng mạng video của ByteDance cần được ngăn chặn vì thu thập dữ liệu người dùng Mỹ và gửi về cho chính phủ Trung Quốc.

Tuần trước, hai hãng card đồ họa lớn nhất thế giới Nvidia và AMD cho biết họ được yêu cầu phải xin giấy phép mới từ chính phủ đối với các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc trong tương lai. Động thái này nhằm ngăn chặn các công ty trong nước cung cấp linh kiện và công nghệ, nhất là lĩnh vực AI cho quân đội Trung Quốc.

42956.jpg (527×296)

Ngoài ra vào ngày 9/8, tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã ký thành luật CHIPS & Science Act trị giá 280 tỷ USD. Trong đó, gói hỗ trợ chi tiêu 52 tỷ USD dành riêng cho sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn nhằm để thúc đẩy hoạt động sản xuất chip tại nước này. Đây được xem là một trong những đạo luật về công nghiệp táo bạo nhất của Mỹ trong nhiều thập kỷ qua. Dù vậy, tham vọng này của Mỹ bị đánh giá là "khó nhằn", theo Nikkei Asia.

Tầm quan trọng của luật này trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung đã được ông Biden cùng nhiều chính trị gia khác nhiều lần nói đến. Ngoài các lợi ích kinh tế, họ cũng đề cập đến việc sản xuất con chip tiên tiến trong hệ thống vũ khí.

"Trung Quốc đang cố gắng đi trước chúng ta và cũng sản xuất con chip tinh vi ", ông Biden nói. "Không ngạc nhiên khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tích cực vận động các doanh nghiệp Mỹ chống lại đạo luật này”.

Một nguồn tin khác cũng cho biết Mỹ đang thiết lập một hệ thống cho phép chính phủ có quyền chặn các khoản đầu tư hoàn toàn. Lệnh hành pháp này là một phần của chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ nhằm hạn chế bán các công nghệ và linh kiện bán dẫn cho các quốc gia như Trung Quốc.

Theo giới quan sát, những quyết định mới dưới thời ông Biden sẽ tiếp tục khiến chiến tranh công nghệ Mỹ - Trung càng thêm quyết liệt.

Trung Quốc gặp khó

Việc Mỹ yêu cầu Nvidia và AMD không xuất khẩu chip AI cao cấp cho Trung Quốc khiến nước này nổi giận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng những hạn chế mới nhất có thể làm chậm sự phát triển trung tâm dữ liệu lớn của Trung Quốc.

Một chuyên gia tại công ty máy chủ AI có trụ sở tại Thiên Tân cho rằng các hoạt động của chính quyền có thể bị ảnh hưởng sau lệnh cấm. Hiện máy chủ dùng trong nhiều hệ thống, như nhận dạng tội phạm hay giám sát giao thông, đang sử dụng chip A100 của Nvidia. "Thật khó thay thế những chip này bằng các sản phẩm nội địa do liên quan đến hiệu suất và hệ sinh thái được thiết lập", người này nói.

Trong khi đó, tin tức về các hạn chế mới, nhất là lệnh cấm chip AI, cũng là chủ đề được tranh luận sôi nổi tại Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới - WAIC 2022, diễn ra ở Thượng Hải từ ngày 1/9 đến 3/9, theo SCMP. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia cho rằng đây là cơ hội lớn với các công ty sản xuất GPU và các loại chip tương tự ở Trung Quốc.

"Các công ty trong nước hiện tụt hậu so với Nvidia và AMD về chip hiệu suất cao, do đó việc thay thế trong ngắn hạn là không thể. Lệnh cấm có thể khiến Trung Quốc nhận thấy sự cần thiết phải đẩy nhanh hơn nữa việc tự sản xuất GPU. "Khi cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung leo thang, khách hàng lớn ở Trung Quốc sẽ cần các sản phẩm nội địa hóa cao. 

Những năm qua, Trung Quốc theo đuổi mục tiêu Made in China 2025, trong đó xác định 10 ngành công nghiệp họ muốn có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu trước năm 2025 và thống trị trong thế kỷ 21 gồm robot, phương tiện giao thông năng lượng mới, công nghệ sinh học, vũ trụ, vận tải biển cao cấp, thiết bị đường sắt công nghệ cao, thiết bị điện, vật liệu mới, phần mềm và công nghệ thông tin thế hệ mới, máy nông nghiệp. Họ cũng xây dựng một chiến lược phát triển riêng cho AI từ năm 2017 và đặt mục tiêu trở thành trung tâm đột phá về AI của thế giới trước 2030. Dù vậy, giới chuyên gia đánh giá tham vọng của nước này có thể bị ảnh hưởng lớn do các lệnh cấm của Mỹ.

Đăng nhập