Khoa học còn lâu mới đọc được ý nghĩ nhưng Phòng thí nghiệm Media Lab thuộc Viện Công nghệ Massachuset (MIT) đã thiết kế được loại kính giúp nhận biết cảm xúc...
Minh hoạ: Loại kính dùng cho người khiếm thính. |
Các nhà khoa học hi vọng tạo được một loại công cụ trợ giúp những người mắc bệnh tự kỷ (autism) có thể giao tiếp hiệu quả với những người chung quanh. Tuy nhiên, họ đã đạt được một kết quả tốt hơn thế. Thông thường, những người bình thường chỉ nhận diện được khoảng 54% cảm xúc của người đối thoại, nhưng trong các thử nghiệm với công cụ mới, tỷ lệ nhận biết chính xác cảm xúc là 64%.
Camera sẽ dõi theo 24 điểm chính trên gương mặt của người đối thoại và phần mềm sẽ phân tích tổ hợp các trạng thái của 24 điểm này cả về tần số lẫn độ dài thời gian biểu hiện của các tổ hợp đó, và so sánh chúng với những tổ hợp gương mặt đã biết.
Để lập cơ sở dữ liệu các nét biểu cảm của gương mặt, các nhà khoa học đã mời các diễn viên kịch nghệ và nhờ họ diễn tả 6 cảm xúc quan trọng nhất trong các cuộc đối thoại: đồng ý, không đồng ý, trầm ngâm, tập trung, thích thú, hiểu nhầm. Sau khi nhận diện được cảm xúc, máy tính sẽ thông báo cho người dùng thông qua tai nghe và đèn chỉ thị trên viền kính.
Hiện thời, các tác giả đang ứng dụng công nghệ này vào việc nghiên cứu sự tiếp nhận của mọi người đối với việc tiếp thị thông qua phim ảnh và quảng cáo.
Theo PCWorld VN