17/04/2012
0

Hướng đi nào cho Ngành Điện tử Việt Nam

Được đánh giá là có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nhưng công nghiệp điện tử Việt Nam chưa có được một quy hoạch phát triển tổng thể. Các doanh nghiệp lĩnh vực này phải tự tìm đường đi cho mình và chịu thiệt thòi khi chính sách không nhất quán.

Theo ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT), hiện trạng công nghiệp điện tử Việt Nam rất đáng buồn. Các doanh nghiệp quốc doanh và có vốn đầu tư nước ngoài trong ngành điện tử một vài năm qua đều hoạt động cầm chừng. Khối doanh nghiệp tư nhân có tăng trưởng mạnh nhưng do tỷ trọng quá bé nên không thành động lực. Hiện tại, vai trò đầu tàu của ngành thuộc về các doanh nghiệp FDI định hướng xuất khẩu như Fujitsu, Canon, Orion-Hanel. Đây là những đơn vị có được đầu tư bài bản từ vốn nước ngoài, trang thiết bị tương đối hiện đại, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành hàng cũng như xuất khẩu. Chỉ riêng nhà máy Fujitsu Việt Nam đã xuất khẩu gần 50% tổng kim ngạch của toàn ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.

Hội nghị đánh giá thực trạng công nghiệp điện tử Việt Nam tổ chức ngày 8/6 tại Hà Nội đã nêu lên một hiện thực: Mặc dù luôn được tuyên bố chú trọng quan tâm phát triển, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin, nhưng chưa một lần điện tử Việt Nam có được một chiến lược phát triển toàn diện. Điều này khiến các doanh nghiệp không có một hành lang định hướng phát triển cho mình, không có cơ sở để các cơ quan chức năng duyệt triển khai các dự án. Thậm chí phải chịu những bất hợp lý có nguyên nhân từ sự không đồng nhất về chính sách như khung thuế cho linh kiện và sản phẩm nguyên chiếc của máy tính.

"Những điều chỉnh vĩ mô mang tính quyết định đối với sự thành công của ngành công nghiệp", ông Cao Tiến Huỳnh, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam, nói. "Khi chưa có chiến lược, chưa có chính sách tổng thể thì không thể phát triển được".

Phát triển không định hướng, không quy hoạch trong thời gian dài dẫn đến hoạt động chính của công nghiệp điện tử Việt Nam chỉ là lắp ráp sản phẩm tiêu dùng, mặc dù đây là phần thu lợi nhuận thấp nhất trong các công đoạn sản xuất. Kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam tiến hành hồi tháng 2/2006 tại 108 doanh nghiệp trên toàn quốc cho thấy, cơ cấu sản phẩm mất cân đối nghiêm trọng, sản phẩm điện tử tiêu dùng lên tới 80%, các sản phẩm chuyên dùng chỉ chiếm 20%.

Tuy nhiên, việc lắp ráp cũng không phải là thế mạnh hoàn toàn của các doanh nghiệp Việt Nam bởi vốn đầu tư hạn chế, dây chuyền lạc hậu so với khu vực và thế giới khoảng 10-20 năm, rất ít doanh nghiệp trong nước có được dây chuyền lắp ráp mặt phẳng (SMT). Những năm 90 được đánh dấu là thời vàng son của các doanh nghiệp lắp ráp TV trong nước. Khi các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Sony, LG, Panasonic tham gia thị trường, các nhà sản xuất trong nước phải chuyển hướng sản xuất kinh doanh. Công ty Viettronics Đống Đa sau 4 năm lắp ráp TV đã phải chuyển sang sản xuất thiết bị chuyên dụng ngành y tế. Những tên tuổi khác như Mitsustar, Nakagawa ngoài việc sản xuất sản phẩm chính của mình còn phải kinh doanh thêm đủ thứ sản phẩm, dịch vụ khác để tồn tại.

Cuộc khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam còn cho thấy ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất phụ tùng linh kiện cũng phát triển chậm, không đáp ứng được nhu cầu lắp ráp trong nước. Với công việc lắp ráp đơn giản, hàm lượng lao động Việt Nam trong các sản phẩm điện tử bình quân chỉ khoảng 5-10% giá trị sản phẩm. Đồng nghĩa với điều này là tiền thu được từ việc bán những sản phẩm này cũng ít.

Ông Mitsuru Okada, Tổng giám đốc Công ty Panasonic Việt Nam, cho rằng sự kém phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ gây rất nhiều thiệt thòi cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Ông Okada phân tích trong kinh doanh có 3 mục tiêu để đảm bảo tính cạnh tranh của sản phẩm là: chất lượng cao, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý. Hai yếu tố đầu tiên thuộc về nội bộ công ty, hoàn toàn có thể sắp xếp để có được. Còn yếu tố thứ 3 bắt buộc phụ thuộc vào sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ.

"Hiện tại, chúng tôi phải vận chuyển linh kiện từ những cơ sở tại các nước lân cận vào lắp ráp tại Việt Nam. Đơn giản vì không có đơn vị nào tại đây sản xuất. Nếu chúng tôi tự đầu tư những dây chuyền sản xuất linh kiện và lắp ráp hiện đại ở Việt Nam thì kinh phí quá lớn", ông Okada nói. "Một phần lợi nhuận đương nhiên phải thuộc về các nhà sản xuất linh kiện. Chi phí vận chuyển cũng là một yếu tố làm tăng giá thành sản phẩm".

Hiện tại, ngành điện tử Việt Nam vẫn phải tranh thủ nguồn đầu tư nước ngoài để có thể phát triển vì nguồn vốn đầu tư trong nước rất hạn chế. Nhiều người cho rằng dù được ưu tiên phát triển hay không thì sự ra đời của một chính sách định hướng rõ ràng cho công nghiệp điện tử Việt Nam quan trọng hơn tiền đầu tư. Bài học kinh nghiệm được lấy từ nông nghiệp, chỉ cần một chính sách đúng đã đưa Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực thành nước xuất khẩu gạo thứ 2 trên thế giới.

Theo Hạ Thảo

Đăng nhập