Từ lúc này, nhập khẩu các thiết bị phần cứng công nghệ thông tin và điện tử tiêu dùng của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm tới 62% trong khi nhập khẩu từ các nơi khác cao hơn 60%, theo nghiên cứu của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE) công bố gần đây.
Báo cáo cũng cho thấy, thị phần nhập khẩu của Mỹ đối với các sản phẩm này từ Trung Quốc đã bị cắt giảm gần hai phần ba, từ 38% xuống còn 13% trong bốn năm. Trong khi đó, Mexico và Đài Loan đã tăng đáng kể thị phần.
Các nhà máy của Trung Quốc chuyên sản xuất một lượng chip truyền thống, có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn. Theo PIIE, những sản phẩm này không hấp dẫn với những gã khổng lồ sản xuất chip như TSMC, Samsung đang muốn sản xuất những con chip tiên tiến, có lợi nhuận cao hơn.
Tuy nhiên, với mặt hàng là chất bán dẫn, Mỹ vẫn chưa có sự thay thế hoàn toàn sự thiếu hụt từ nhập khẩu của Trung Quốc. Theo PIIE, Trung Quốc chiếm 47% lượng chip nhập khẩu của Mỹ trước thời điểm tháng 7/2018, nhưng đã giảm xuống còn 39% ngay sau khi các lệnh thuế quan được áp dụng.
PIIE cho biết, những con chip truyền thống - vốn không có lợi nhuận cao để sản xuất - nên nếu Mỹ không muốn nhập khẩu chúng từ Trung Quốc thì không biết đơn vị nào sẽ tham gia sản xuất. Đây chính là câu hỏi mà ngành công nghiệp Mỹ, như lĩnh vực ôtô, phải đối mặt vì vẫn có nhu cầu cao.
Ôtô là một trong những ngành phải cắt giảm quy mô sản xuất do tình trạng thiếu chip toàn cầu. Nguồn cung thiết bị bán dẫn đã giảm trong Covid-19 do các nhà máy đóng cửa. Doanh số bán các thiết bị điện tử sau đó đã tăng vọt do các công ty làm việc từ xa, dẫn đến tình trạng thiếu hụt ngày càng trầm trọng.
Các sản phẩm bao gồm máy tính xách tay, màn hình máy tính, điện thoại, máy chơi game và đồ chơi, được Mỹ miễn thuế hiện chiếm 27% tổng hàng hoá mà Mỹ nhập từ Trung Quốc, tăng từ mức 21% trước khi chiến tranh thương mại bắt đầu.
Báo cáo của PIIE cũng cho biết, bất chấp việc tăng thuế quan, nhập khẩu thiết bị tập thể dục và pin lithium của Mỹ từ Trung Quốc tăng đáng kể với thị phần chiếm 50% cho cả 2 mặt hàng này. Nhu cầu của người Mỹ với máy chạy bộ, tập chèo thuyền và xe điện tăng cao.
Theo PIIE, dữ liệu chỉ tiết lộ những thay đổi về nơi lắp ráp hàng hoá nhập khẩu chứ không thể hiện bất cứ thay đổi nào đối với hàm lượng giá trị gia tăng của hàng hoá nhập vào Mỹ. Bên cạnh đó, cũng có một số bằng chứng về sự chia rẽ thương mại giữa Mỹ - Trung và điều này khiến các doanh nghiệp cả hai nước đều bị tổn thất.
Đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đang cân nhắc rút một số mức thuế quan dưới thời ông Trump, đặc biệt trước tình hình lạm phát gia tăng. Tuy nhiên đến nay, Mỹ vẫn giữ nguyên chính sách này, theo yêu cầu của các doanh nghiệp trong nước. Thoả thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước đã hết hạn cuối 2021. Báo cáo trước đó của PIIE đã gọi điều này là thất bại lịch sử sau khi Trung Quốc chỉ mua 57% hàng hoá của Mỹ so với cam kết.