Trong tuyên bố ngắn gọn của mình ngày 31/3, CAC cho biết đây là lần đầu họ thực hiện việc điều tra một công ty nước ngoài với mục đích "bảo vệ an ninh chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của quốc gia", đồng thời "ngăn ngừa rủi ro an ninh không gian mạng từ các sản phẩm có vấn đề".
Quyết định của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách thắt chặt hoạt động xuất khẩu các sản phẩm và thiết bị bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc do lo ngại về an ninh quốc gia.
Thị trường Trung Quốc chiếm hơn 10% tổng doanh số của Micron. Một trong những khách hàng lớn của công ty là Shenzhen Long Sys. Công ty này đã mua của Micron số chip trị giá 3,1 tỷ nhân dân tệ trong năm 2021.
Micron có mối quan hệ không mấy êm đềm với Trung Quốc những năm gần đây khi các nhà sản xuất chip nhớ nội địa như Yangtze Memory (YMTC) đang mở rộng hoạt động. Theo thống kê của TrendForce, Micron chiếm gần 3/4 doanh số trên thị trường chip chip nhớ DRAM toàn cầu. Tuy nhiên, nguồn cung DRAM đang dư thừa, giá trung bình trong quý I/2023 đã giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Micron rơi vào tầm ngắm của Trung Quốc do bị coi là lực lượng chính đứng sau những cuộc vận động hành lang của chính phủ Mỹ nhằm trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó đối thủ YMTC bị Mỹ đưa vào danh sách cấm năm ngoái.
Gã khổng lồ chip Mỹ đã sớm nhận thấy những rủi ro có thể bị gạch tên khỏi thị trường Trung Quốc. Trong báo cáo tài chính thường niên 2021, Micron nói với các nhà đầu tư rằng chính sách hỗ trợ của Bắc Kinh cho nhà sản xuất DRAM nội địa cho thể hạn chế sự tăng trưởng của công ty. "Chính phủ Trung Quốc có thể hạn chế chúng tôi tham gia vào thị trường hoặc có những biện pháp khác để ngăn chặn chúng tôi cạnh tranh với các công ty trong nước", Micron cho biết.
Năm ngoái, Micron đã đóng cửa văn phòng thiết kế DRAM tại Thượng Hải và chuyển một số kỹ sư sang Mỹ, Ấn Độ. Trong báo cáo mới nhất, công ty cho biết doanh thu quý I/2023 giảm 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo quý tiếp theo sẽ giảm thêm khoảng 60%.