Hiện Mỹ đang chuẩn bị tổ chức cuộc họp sơ bộ cho liên minh Chip 4, đề xuất những sáng kiến nhằm ổn định chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Bên cạnh Mỹ đóng vai trò dẫn dắt, các thành viên còn lại của Chip 4 dự kiến bao gồm Nhật Bản – quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực vật liệu sản xuất bán dẫn, Đài Loan – nhà sản xuất chip tiên tiến hàng đầu và Hàn Quốc – đất nước có năng suất sản xuất vi xử lý chỉ đứng sau Đài Loan.
Mặc dù thông tin chi tiết về sáng kiến này chưa được hoàn thiện chi tiết, tuy nhiên giới phân tích cho rằng đây là động thái mới nhằm ngăn chặn Trung Quốc, quốc gia đang chạy đua nâng cao công nghệ đúc chip của mình.
Hiện tại, Mỹ đặt mục tiêu hợp tác với các công ty Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật bản để xây dựng nhà máy đúc chip trên lãnh thổ Mỹ, cũng như ngăn chặn công nghệ nhạy cảm bị rò rỉ sang Bắc Kinh.
Từ thời chính quyền Tổng thống Trump, Mỹ đã liên tiếp áp đặt các lệnh cấm vận công nghệ với Bắc Kinh. Sang đến nhiệm kỳ của Tổng thống J.Biden, nền kinh tế số 1 thế giới vẫn tiếp tục chính sách này với việc thông qua Đạo luật “Chips and Science Act 2022”.
Động thái này khiến nỗ lực cân bằng quan hệ kinh tế với Trung Quốc và hợp tác an ninh với Mỹ của Hàn Quốc vào tình cảnh “đi trên dây”.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol coi quan hệ song phương với Mỹ là ưu tiên hàng đầu và đã bày tỏ quan tâm tới Chip 4. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang ngày càng gây áp lực lên Seoul khi Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị từng nói với người đồng cấp Hàn Quốc Park Jin trong tháng trước rằng, 2 nước nên duy trì độc lập khỏi sự can thiệp từ bên ngoài.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, chiếm 24% tổng kim ngạch thương mại của nước này trong năm 2021. Chiếm tới 60% xuất khẩu bán dẫn của xứ Kim Chi, tương đương 76,8 tỷ USD, cùng nhiều hoá chất, máy móc khác sang thị trường Trung Quốc. Do đó, nếu Trung Quốc áp thuế cao và các biện pháp trừng phạt khác sẽ giáng mạnh vào ngành công nghiệp cốt lõi này của Hàn Quốc.
Samsung, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Hàn Quốc, có 20% lượng chip nhớ được sản xuất tại Tây An, Trung Quốc. Trong khi đó, SK Hynix có nhà máy ở Vô Tích và vừa mua lại nhà máy Đại Liên của Intel vào năm ngoái. 40% sản lượng của hãng được đặt tại quốc gia tỷ dân này.
“Đây không còn là vấn đề mà doanh nghiệp có thể tự xử lý”, một lãnh đạo công ty Hàn Quốc cho hay. Các công ty nước này đã nhiều lần yêu cầu Seoul và Washington giảm thiểu tác động chính sách với hoạt động kinh doanh của họ.