Ngày 21/5, cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã ra thông báo cấm các công ty tham gia những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trong nước mua sản phẩm của Micron.
Với đòn tấn công nhằm vào Micron, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất của Mỹ, Bắc Kinh đang leo thang cuộc chiến công nghệ với Washington sau nhiều rào cản và lệnh cấm mà Mỹ từng dựng lên.
Theo đó, các sản phẩm của công ty này như DRAM, bộ nhớ NAND và ổ cứng thể rắn sẽ bị cấm bán ở Trung Quốc.
Theo báo New York Times, trước đây khi muốn loại bỏ các hãng công nghệ nước ngoài khỏi chuỗi cung ứng trong nước, Bắc Kinh thường chọn cách làm việc gián tiếp hoặc thậm chí bí mật, chẳng hạn thực hiện các cuộc khám xét văn phòng, hiếm khi nói thẳng thừng rằng họ không còn được chào đón nữa.
Nhưng với trường hợp Micron dường như đã khác. Đài CNN nhận định đây là bước leo thang lớn trong cuộc chiến đang diễn ra giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới về khả năng tiếp cận các công nghệ quan trọng. Trước đó Mỹ cấm cài ứng dụng TikTok trên thiết bị chính phủ và áp các biện pháp hạn chế đối với việc xuất khẩu một số chip máy tính tiên tiến sang Trung Quốc.
Theo giải thích của bên Trung Quốc, Micron đã không vượt qua được cuộc kiểm định an ninh mạng. CAC cáo buộc sản phẩm của họ chứa "rủi ro an ninh mạng nghiêm trọng", gây nguy hiểm cho cơ sở hạ tầng thông tin của Trung Quốc và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Trong khi đó Bộ Thương mại Mỹ kiên quyết phản đối những biện pháp hạn chế "không có cơ sở thực tế" của Trung Quốc. Họ nhấn mạnh: "Hành động này cùng với những cuộc khám xét gần đây (của Trung Quốc) nhằm vào các doanh nghiệp Mỹ khác không phù hợp với tuyên bố của Bắc Kinh rằng họ đang mở cửa thị trường và cam kết tuân thủ khung pháp lý minh bạch".
Lệnh cấm của Bắc Kinh được đưa ra một ngày sau khi lãnh đạo các nước G7 chỉ trích gay gắt Trung Quốc trong hội nghị thượng đỉnh tại thành phố Hiroshima của Nhật về vấn đề quyền con người, các chính sách kinh tế "phi thị trường", các hoạt động quân sự của Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông cũng như Biển Đông...
Micron là một trong những nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất tại Mỹ. Trung Quốc đại lục đóng góp khoảng 11% trong tổng doanh thu 30,8 tỉ USD năm 2022 của công ty này. Micron đã nhận được thông báo của cơ quan quản lý Trung Quốc và đang tính toán các bước tiếp theo.
Kể từ tháng 10-2022, Mỹ đã áp các biện pháp hạn chế xuất khẩu sâu rộng đối với chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc, nhằm ngăn Bắc Kinh tiếp cận công nghệ quan trọng và dùng cho mục đích quân sự.
Vào tháng 3 năm nay, hai đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hà Lan cũng công bố các biện pháp hạn chế đối với việc bán công nghệ sản xuất chip cho nước ngoài, gồm cả Trung Quốc. Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt các hạn chế này, gọi đó là sự "kiềm chế mang tính phân biệt đối xử" nhắm vào Bắc Kinh.
Ngoài ra, lệnh cấm mới của Bắc Kinh đã tạo ra một khoảng trống cũng như cơ hội để các nhà sản xuất chip nội địa có thể nhảy vào thay thế. Việc "làm tổn thương" một doanh nghiệp Mỹ như Micron sẽ có ích cho mục tiêu thúc đẩy công nghệ trong nước, khi mà chip giữ vai trò quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm trở thành siêu cường công nghệ.
Theo báo Wall Street Journal, lệnh cấm của Trung Quốc được đưa ra chưa đầy hai tháng sau khi Bắc Kinh công bố cuộc điều tra nhằm vào hàng nhập khẩu từ Micron. Lệnh cấm này dường như là động thái chính trị nhằm đáp trả lệnh cấm sâu rộng mà Washington đưa ra vào năm ngoái.
"Có thể không khả thi hoặc không cần thay thế hoàn toàn mọi sản phẩm bằng đồ nội địa, nhưng đối với những sản phẩm cốt lõi này, chúng tôi cần phát triển năng lực cho riêng mình và tránh bị phụ thuộc quá mức. Điều này không chỉ áp dụng cho ngành chip mà còn cho các lĩnh vực khác", ông Xiang Li Gang, giám đốc một hãng công nghệ Trung Quốc chuyên cố vấn cho chính phủ, giải thích.
Bằng cách tấn công Micron, Trung Quốc đang đánh vào một trong số ít các lĩnh vực - chip nhớ - mà họ có chỗ đứng trong cuộc cạnh tranh với Mỹ. Tuy nhiên, nhà kinh tế Teng Tai tại Viện nghiên cứu kinh tế mới Vạn Bác ở Bắc Kinh lưu ý Trung Quốc vẫn còn phụ thuộc vào Mỹ về chip tiên tiến.
Chuyên gia này chỉ ra trên Weibo: "Mục tiêu cuối cùng của việc tung đòn vào Micron là hối thúc một số công ty Mỹ tự kiềm chế, để chúng ta có thể thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại và công nghệ, đồng thời tránh theo đuổi cách tiếp cận cô lập".