Sau 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, nhiều ông lớn công nghệ đã và đang dần hoàn tất quá trình chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc, tới các quốc gia khác như Việt Nam hay Ấn Độ.
Một phần dây chuyền sản xuất iPhone 14 đã được Apple chuyển sáng Ấn độ
Việc chuyển dịch chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc đang lan rộng khắp châu Á, điều này giúp cho ngành sản xuất hồi sinh ở Malaysia và nhu cầu lao động giá rẻ ở Ấn Độ tăng cao, đồng thời khiến giá đất công nghiệp ở Việt Nam tăng vọt.
Theo nguồn tin của New York Times hé lộ, mặc dù hầu hết dây chuyền sản xuất quan trọng nhất cho iPhone 14 vẫn nằm ở Trung Quốc, hãng đã chuyển một phần sang Ấn Độ nhằm đánh giá khả năng sản xuất trong tương lai.
Cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong cuộc chuyển dịch sản xuất
Cho đến nay, quốc gia hưởng lợi lớn nhất của kế hoạch dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc chính là Việt Nam.
Cụ thể vào tháng 8, Foxconn - đối tác hàng đầu của Apple, đã ký kết biên bản ghi nhớ thuê lại 50,5 ha đất tại Khu công nghiệp Quang Châu - Bắc Giang với tổng mức đầu tư hơn 300 triệu USD, đồng thời sử dụng 30.000 lao động địa phương. Hồi tháng 4/2021, tập đoàn tuyên bố đầu tư 700 triệu USD vào Việt Nam để mở rộng sản xuất.
Khu công nghiệp tại Quang Châu - Bắc Giang
Foxconn cũng là doanh nghiệp FDI có quy mô lớn nhất tại KCN Quang Châu với tổng diện tích thuê 69,82 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 773 triệu USD. Theo New York Times, công ty đã đầu tư hơn 1,5 tỷ USD vào Việt Nam.
Người lao động từ khắp nơi đang đổ về khu vực Bắc Giang và Bắc Ninh để tìm kiếm việc làm khi mà Foxconn cũng như các công ty sản xuất khác đổ tiền vận hành các nhà máy lớn tại khu vực này.
Foxconn ở Bắc Ninh đang đăng tin tuyển dụng hấp dẫn với nội dụng cần tuyển gấp 5.000 công nhân với mức lương khoảng 300 USD hàng tháng. Con số này chưa tới một nửa so với các nhân viên mới tại các dây chuyền ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Sự chênh lệch về mức lương cũng là một lý do lớn khiến các công ty đang tìm kiếm phương án sản xuất mới ngoài Trung Quốc.
Vấn đề thuế quan cũng làm tăng chi phí sản xuất ở Trung Quốc. Năm 2019, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế 15% đối với các sản phẩm công nghệ như loa thông minh, đồng hồ thông minh và tai nghe không dây được nhập khẩu từ Trung Quốc
Nhằm tránh khỏi một cuộc chiến về thuế có thể xảy ra trong tương lai, Google đã xem xét các lựa chọn thay thế cho Trung Quốc. Nguồn tin nội bộ của Google cho biết hãng có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất từ các cơ sở của Foxconn miền Nam Trung Quốc sang Việt Nam để sản xuất một lượng nhỏ smartphone Pixel 7.
Gã khổng lồ tìm kiếm kỳ vọng Việt Nam sẽ có thể sản xuất tới hơn một nửa số điện thoại dòng Pixel cao cấp trong vài năm tới.