"Tôi sẽ sớm cạn tiền nếu không có khoản đầu tư mới. Không còn dễ dàng như hai năm trước, khi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu áp đặt cấm vận nhằm vào ngành bán dẫn Trung Quốc và thúc đẩy nguồn đầu tư trong nước", nhà sáng lập giấu tên cho hay.
Ông chỉ là một trong nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chip Trung Quốc đang phải tìm cách tránh né cơn bão càn quét lĩnh vực này. Các lệnh trừng phạt đang tác động xấu đến đầu tư và nhiều chuyên gia cảnh báo ngành bán dẫn Trung Quốc sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn năm 2023.
Năm 2020, Mỹ đưa hàng chục công ty Trung Quốc, trong đó có SMIC và Hikvision, vào danh sách đen. Điều này dẫn đến sự bùng nổ trong lĩnh vực thiết kế và chế tạo chip tại Trung Quốc, khi các công ty nỗ lực đáp ứng lời kêu gọi tự chủ công nghệ của chính phủ. Ví dụ, Biren Technology, một trong các công ty thiết kế chip, đã tận dụng lợi thế và gọi được vốn gần 649 triệu USD trong 18 tháng sau khi cổ phần hóa.
Riêng năm 2021, Trung Quốc ghi nhận thêm 592 công ty về chip, tương đương với 11 startup mới ra đời mỗi tuần. Các khu vực tập trung vào công nghệ cao như Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến, Vô Tích và Nam Kinh có tổng cộng 2.810 công ty như vậy tính đến cuối năm 2021.
Tình hình đã thay đổi đáng kể sau đó. Trong khuôn khổ hội nghị Semicon China đầu tháng, bốn trong năm lãnh đạo các công ty chip Trung Quốc cảnh báo năm tới sẽ rất khó khăn và nhấn mạnh họ đang "chuẩn bị cho mùa đông bán dẫn".
Theo CEO của Productive Technologies, Liu Erzhuang: ngoài đối đầu địa chính trị, các nguyên nhân khác có thể kể đến Covid-19 hạ nhiệt, lãi suất tăng ở Mỹ và tình trạng thừa chip toàn cầu. Zhang Guoming, Chủ tịch nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Hwatsing Technology, cho biết các công ty Trung Quốc đã dự đoán và sẵn sàng cho tình hình suy giảm vào năm sau.
Hồi tháng 7, công ty tư vấn Gartner cũng dự báo ngành bán dẫn sẽ giảm doanh thu trong năm 2023 do lạm phát tăng cao và sức mua giảm sút, chấm dứt một trong những đợt phát triển mạnh nhất trong lịch sử của ngành.
Các lệnh hạn chế xuất khẩu mới được Mỹ công bố hồi tháng 10 cũng là đòn đánh bất ngờ đối với ngành chip Trung Quốc. Theo đó, các công ty trên thế giới không được phép bán chip máy tính hoặc công nghệ bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc nếu trong sản phẩm chứa công nghệ Mỹ. Họ phải nộp đơn lên các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ để xét duyệt.
"Loạt hạn chế mới khiến chúng tôi khó đầu tư vào các dây chuyền chế tạo tiên tiến trong tương lai. Cần nghiên cứu và phát triển nhiều hơn để chuẩn bị cho mùa đông này", Zhang nói.
Biren từng tuyên bố có khả năng thiết kế chip mạnh mẽ hơn Nvidia, nhưng hiện đã phải cắt giảm hiệu năng sản phẩm để tránh quy định kiểm soát ngay sau lệnh hạn chế. Một số nguồn tin tiết lộ đơn vị bán dẫn T-Head của Alibaba cũng đang tìm cách sửa đổi bộ vi xử lý 5 nanomet mới được thiết kế cho các cỗ máy AI.
Mất đơn hàng, sụt giảm doanh thu và thiếu đầu tư có thể khiến một số doanh nghiệp bán dẫn Trung Quốc phá sản. Xing Xiao, CEO công ty quản lý quỹ Haiwang, nói một trong số các doanh nghiệp chế tạo thiết bị được họ đầu tư đã phải cắt giảm 20% đơn hàng.
Bảo đảm chuỗi cung ứng ở nước ngoài cũng là yếu tố then chốt với các công ty thiết kế chip Trung Quốc, khi họ phụ thuộc vào các nhà máy sản xuất tiên tiến như của TSMC. HiSilicon, đơn vị thiết kế chip của Huawei, phủ nhận thông tin rằng họ sẽ có khả năng sản xuất chip smartphone Kirin trong năm 2023.
CXMT là một trong hai hãng chế tạo chip nhớ hàng đầu Trung Quốc. Họ được cho là mục tiêu hàng đầu của lệnh hạn chế mới từ Mỹ, trong đó ngăn Trung Quốc tiếp cận chip DRAM dùng dây chuyền dưới 18 nm, cũng như chip NAND có trên 128 lớp. Dù vậy, một số lãnh đạo vẫn hy vọng tình trạng này không kéo dài quá một năm và ngành bán dẫn Trung Quốc có thể hồi phục trong 2024.
Khoảng 3.470 công ty có chữ "chip" trong tên gọi hoặc mô tả kinh doanh tại Trung Quốc đã ngừng hoạt động trong giai đoạn tháng 1-8, vượt mức 3.420 của cả năm 2021, theo thống kê của nền tảng dữ liệu kinh doanh Quichacha.
"Ngành bán dẫn Trung Quốc đang trong giai đoạn suy thoái. Các doanh nghiệp đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có thu nhỏ quy mô hoạt động và lợi nhuận thấp hơn trước", Wang Chikun, nhà nghiên cứu tại Bắc Kinh, nhận xét.
Những công ty lớn nhất trong ngành cũng không miễn nhiễm với tình trạng hiện nay. "Các yếu tố chính trị và đại dịch đã gây biến động ngắn hạn. Chúng ta cần vượt qua giai đoạn mất cân đối nguồn cung và nhu cầu hiện nay", Sun Bin, Phó chủ tịch ChangXin Memory Technologies (CXMT), nói trong bài phát biểu ở Semicon China.