Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về VoIP, những ưu khuyết điểm và cách sử dụng dịch vụ hấp dẫn này.
VoIP là gì?
VoIP (Voice over Internet Protocol) là phương thức truyền thông sử dụng giao thức TCP/IP dựa trên cơ sở hạ tầng sẵn có của mạng Internet. Công nghệ này dựa trên kỹ thuật chuyển mạch gói, thay thế công nghệ truyền thoại cũ dùng chuyển mạch kênh. Tương tự cách thức gửi/nhận email, phần mềm hay dữ liệu, VoIP cũng chia nhỏ tín hiệu thoại thành các gói dữ liệu để gửi đi và ráp lại trước khi đến người nghe. Ngoài ra, VoIP cũng có thể ghép nhiều kênh thoại trên 1 đường tín hiệu truyền qua mạng Internet, giúp tiết giảm chi phí đáng kể so với cách gọi điện thoại thông thường.
Ưu, khuyết điểm của VoIP
VoIP có nhiều ưu điểm so với cách gọi truyền thống PSTN; chẳng hạn gọi miễn phí nếu sử dụng cùng dịch vụ, cùng thiết bị VoIP hoặc cùng tổng đài IP PBX (gọi "nội mạng"). Cước phí cuộc gọi VoIP quốc tế thường rẻ hơn nhiều so với mạng PSTN do tín hiệu thoại được đóng gói và chuyển đi trên cùng kênh truyền với nhiều dịch vụ khác. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng Fax qua mạng IP hoặc một số dịch vụ VoIP hỗ trợ như trả lời tự động, hiển thị số gọi đến, hiển thị cuộc gọi nhỡ, chuyển cuộc gọi, lập danh sách các số điện thoại... không hề thua kém các dịch vụ của PSTN mà lại miễn phí sử dụng. Bên cạnh đó, việc sử dụng đồng thời cả điện thoại bàn thông thường và điện thoại IP (có dây hoặc không dây) qua hệ thống mạng LAN (Local Area Network) sẽ đảm bảo thông tin liên lạc của doanh nghiệp không bị gián đoạn khi xảy ra sự cố.
Dù có nhiều ưu điểm hấp dẫn như trên, VoIP có thể gặp những vấn đề như không thể sử dụng được dịch vụ khi cúp điện, không thể kết nối đến các dịch vụ khẩn (cấp cứu, báo cháy...) cũng như vẫn tồn tại các vấn đề về bảo mật vốn có của mạng Internet do sử dụng chung thiết bị và môi trường truyền dữ liệu; kể cả các giao thức mới dành riêng cho VoIP cũng chưa thể giải quyết được các vấn đề về bảo mật, chẳng hạn nguy cơ nghe lén cuộc gọi VoIP khá cao do các gói dữ liệu phải chuyển tiếp qua nhiều trạm trung gian trước khi đến người nghe hoặc vấn đề truy cập trái phép (unauthorized access attack), hacker có thể lợi dụng các lỗ hổng bảo mật để xâm nhập vào hệ thống mạng.
Thiết lập cuộc gọi VoIP
Hiện tại, có 3 phương thức để thực hiện cuộc gọi VoIP là sử dụng máy tính với 1 kết nối Internet tốc độ càng cao càng tốt, điện thoại VoIP (IP phone) hoặc điện thoại bàn truyền thống kết nối đến VoIP adapter. Nếu sử dụng máy tính, bạn cần cài đặt phần mềm VoIP và headphone có micro để thực hiện cuộc gọi. Với điện thoại VoIP, bạn chỉ việc gắn trực tiếp thiết bị vào kết nối Internet, đăng ký dịch vụ VoIP trước khi sử dụng. Trường hợp dùng VoIP adapter, bạn cần gắn thiết bị vào kết nối Internet và điện thoại bàn, đăng ký dịch vụ VoIP, sau đó thực hiện cuộc gọi bằng điện thoại bàn. Nếu router ADSL hay router băng rộng (broadband router) tích hợp VoIP, bạn chỉ cần gắn điện thoại bàn vào cổng Phone trên router, đăng ký dịch vụ VoIP để sử dụng.
1. Phần mềm
Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ VoIP đều cung cấp phần mềm đi kèm để bạn tải về, chẳng hạn VNN- SIP-Phone (ifone.vnn.vn), UsVoiz (usvoiz.com.vn), Worldfone2x-vn (worldfone.com.vn). Bạn cần cài đặt phần mềm vào máy tính, sử dụng headphone có micro để thực hiện cuộc gọi.
2. Phần cứng
So với phần mềm, điện thoại USB mang lại cảm giác thân thiện, trực quan hơn. Bạn chỉ việc cắm điện thoại vào cổng USB trên máy tính, cài đặt phần mềm đi kèm và tùy chọn nhà cung cấp dịch vụ VoIP cùng mức cước phù hợp. Ngoài ra, một số điện thoại USB cho phép nhận tin nhắn, quay số nhanh tương tự điện thoại di động. Điện thoại USB hiện có 2 dạng là không dây và có dây (nối trực tiếp vào máy tính).
VoIP gateway có chức năng chuyển đổi tín hiệu thoại dạng analog sang dạng IP trước khi gửi qua Internet. Để thực hiện cuộc gọi, bạn cần kết nối VoIP gateway trực tiếp vào đường truyền Internet, đăng ký tài khoản VoIP và tận dụng chiếc điện thoại bàn cũ để thực hiện cuộc gọi.
IP Phone khá giống điện thoại bàn, tuy nhiên, thiết bị này phải được kết nối trực tiếp vào đường truyền Internet thay vì đường điện thoại PSTN thông thường. IP Phone thường tích hợp sẵn phần mềm quản lý, bạn có thể cài đặt dịch vụ VoIP trực tiếp qua các phím nhấn và màn hình LED của thiết bị hay cài đặt thông qua trình duyệt web trên máy tính. Tùy thuộc nhà sản xuất, thiết bị có thể hỗ trợ từ 1 đến 4 tài khoản VoIP cùng lúc. Người dùng có thể đăng ký sử dụng tài khoản của nhiều nhà cung cấp dịch vụ VoIP khác nhau cũng như không cần phải thiết lập lại thông tin tài khoản khi chuyển đổi; thuận tiện hơn khi thực hiện cuộc gọi đến quốc gia nào đó mà tài khoản hiện hành không không hỗ trợ.
Các hình thức gọi VoIP
Máy tính tới máy tính (PC to PC) là cách dễ sử dụng nhất, thậm chí không phải trả tiền cho các cuộc gọi đường dài. Bạn chỉ việc cài đặt phần mềm VoIP và thực hiện cuộc gọi. - Máy tính tới điện thoại (PC to Phone). Với cách này, bạn có thể thực hiện đến bất kỳ số điện thoại nào nhưng phải trả phí. Giống cuộc gọi từ máy tính tới máy tính sẽ cần phần mềm VoIP. - Điện thoại tới máy tính (Phone to PC). Một số nhà cung cấp dịch vụ cho phép thực hiện cuộc gọi từ điện thoại bàn đến máy tính. Tất nhiên, trên máy tính phải cài đặt phần mềm của nhà cung cấp. Cách này cũng tiết kiệm chi phí khá nhiều so với cuộc gọi đường dài truyền thống.
Điện thoại tới điện thoại (Phone to Phone). Sử dụng các điện thoại VoIP, iPhone (tích hợp sẵn dịch vụ VoIP trên nền Skype), VoIP adapter... bạn có thể thực hiện cuộc gọi phone to phone đến bất kỳ số điện thoại nào.
Ghi chú
Một vài dịch vụ VoIP chỉ cần kết nối đến điện thoại bàn thông thường trong khi số khác yêu cầu đường truyền Internet. Với dịch vụ VoIP của các công ty viễn thông, bạn có thể sử dụng hình thức gọi VoIP bằng cách thêm mã số đầu trước khi nhấn các số còn lại theo cách gọi thông thường. Chẳng hạn, để gọi VoIP đến số máy 08 39304324 với dịch vụ của VNPT, thực hiện như sau: nhấn 171 08 39304324; tương tự với các dịch vụ 178 (Vietel), 177 (SPT), 179 (EVN). Sử dụng 1 trong các dịch vụ này để gọi liên tỉnh là hiệu quả nhất, trong khi các cuộc gọi quốc tế còn nhiều hạn chế và mức cước vẫn còn khá cao so với cách gọi trực tiếp trên đường truyền Internet. Ngoài ra, các dịch vụ này cũng chưa hỗ trợ cho số di động.
Với cách gọi trực tiếp trên đường truyền Internet (thường miễn phí), bạn có thể thực hiện cuộc gọi đến người dùng sử dụng cùng dịch vụ như gọi từ Skype, YM!, DrayTel, Iptel. Một số dịch vụ khác như SkypeOut, iFone-VNN... cho phép gọi đến bất kỳ số điện thoại nội bộ, liên tỉnh, không dây và quốc tế.
Theo pcworld.com.vn