Trước phiên bản này, người dùng trên toàn thế giới đã có cơ hội được trải nghiệm hệ điều hành này qua phiên bản đầu tiên Developers Preview hay còn được gọi là phiên bản pre-beta, được công bố vào tháng 9 năm ngoái. Ngay từ phiên bản đầu tiên này, tham vọng về một hệ điều hành tương thích với cả máy tính cá nhân và các thiết bị cảm ứng của Microsoft đã được thể hiện rõ.
Ngay từ những giây phút xuất hiện đầu tiên, giao diện Metro ấn tượng đã gây được sự chú ý của các phóng viên. Chúng ta có thể nhận thấy ngay rằng giao diện này đã khác hoàn toàn so với cách bố trí một giao diện truyền thống của Windows. Linh hoạt, hiệu quả và rộng mở có lẽ là những từ miêu tả chính xác nhất về giao diện này. Chúng ta có thể ví Windows 8 với Windows 95 khi xét về ý nghĩa một sự tiến hóa về hệ điều hành của Microsoft ngay từ giao diện, tuy nhiên chắc chắn Windows 8 đã mang lại rất nhiều sự khác biệt. Đã có hơn 100 ngàn thay đổi được thực hiện kể từ khi phiên bản pre-beta được công bố.
Nhắc đến Windows 8, người ta nhắc nhiều nhất đến giao diện Metro. Metro là giao diện của những mảng màu đơn sắc, được thiết kế chú trọng đến việc hoạt động trên các máy tính cảm ứng, đây chính là một nửa mục tiêu của Microsoft khi phát triển hệ điều hành này. Một điều dễ nhận thấy trong giao diện này là: các mảng màu được dàn hàng ngang ra toàn màn hình rất đơn giản của giao diện, giống như những tấm giấy sticker được dán đầy lên tường vậy, và dường như muốn hiển thị nhiều thông tin nhất có thể, thay vì được chứa trong vô số thư mục như trước đây. Nói cách khác, đây là giao diện được chú trọng dành cho các thiết bị cảm ứng. Microsoft sử dụng iCookBook để trình diễn sức mạnh của giao diện này, và thật vậy, iCookBook đã tận dụng được đầy đủ sức mạnh. Không những thế, tính năng đa nhiệm hoàn hảo cùng sức mạnh xử lý các nội dung HTML 5 cũng được biểu diễn.
Điều tiếp theo mà người dùng chú ý đến khi trải nghiệm Windows 8 là sự thay đổi trong Start Menu. Một số người nói rằng Windows 8 đã làm thay đổi văn hóa sử dụng Start Menu. Start Menu của Windows 8 đã mở ra tập hợp thông tin rất rộng, được thể hiện một cách trực quan, đơn giản và nhiều màu sắc nhất từ trước tới nay, mặc dù nút Start đã không còn xuất hiện trên màn hình desktop đúng như đã dự đoán. Chính Start Menu là điểm nhấn về giao diện cũng như thể hiện rõ ràng nhất những tính năng dành cho máy tính bảng. Tuy nhiên những gì quen thuộc nhất vẫn không mất đi. Màn hình desktop vẫn còn, và nó tương thích tốt với phần còn lại của hệ điều hành. Sự đồng bộ của nó làm ra có cảm giác như đó là một ứng dụng Metro toàn màn hình.
Ngoài ra, tất cả những gì chúng ta yêu thích ở Windows 7 vẫn xuất hiện ở đây. Về phần ứng dụng, tính năng đa nhiệm được thể hiện rất mượt mà cùng những cải tiến trong thao tác copy. Với việc mở Word và Power Point cùng lúc, Microsoft cho thấy desktop mới rất tốt khi làm việc với nhiều ứng dụng.
Trong những lời giới thiệu đầu tiên về sản phẩm của mình, Microsoft cho biết “Windows 8 có một trải nghiệm rất đẹp, mượt và linh hoạt, với các yếu tố hình thức được mở rộng nhất; các ứng dụng dễ sử dụng, rất mạnh mẽ và hỗ trợ cho nhau, ngoài ra còn có kết nối đám mây”. Kết nối đám mây là một phần quan trọng khi nói về Windows 8, công nghệ này được Microsoft thể hiện qua Windows Live SkyDrive- một dịch vụ lưu trữ miễn phí. Với công nghệ đám mây, dữ liệu của Windows 8 và dữ liệu trên SkyDrive có thể tương tác với nhau mà không cần sử dụng trình duyệt, mà thông qua một tài khoản của người dùng. Sau đây là những gì Microsoft nói về công nghệ đám mây: “Mỗi ứng dụng có thể lấy thông tin từ ứng dụng kia. Bạn hãy tưởng tượng tất cả những thứ này được bao phủ bởi một kết nối đám mây linh hoạt. Đây là một cơ hội lớn cho các nhà phát triển. Tất cả mọi thứ từ ứng dụng cho đến hệ điều hành đều được kết nối bởi công nghệ đám mây”.
Cùng với SkyDrive, Windows Store cũng được công bố. Windows Store được thiết kế với mục đích để giúp người dùng có thể tìm kiếm và khám phá ứng dụng. Microsoft cho biết “Trong giai đoạn Consumer Preview, tất cả các ứng dụng được cung cấp miễn phí. Sau đó chúng tôi sẽ tiếp tục thêm các ứng dụng vào Store”. Ngoài ra người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm thêm ứng dụng với công cụ tìm kiếm Bing mặc định của Windows 8.
Windows 8 là hệ điều hành thiết kế cho các máy tính bảng, vì vậy chắc chắn việc làm việc với các chip kiến trúc ARM phổ biến sẽ là mối quan tâm hàng đầu của hãng về phần cứng. Ý tưởng này của Microsoft đã được rất nhiều người ủng hộ, và trong buổi ra mắt, nó đã thể hiện rất tuyệt vời. Microsoft cũng thể hiện sự quan tâm đối với ARM bằng cách cung cấp cho Windows Store một bộ lọc mã, tự động lọc ứng dụng viết cho chip ARM hoẵ chip x86. Ngoài ra Windows Store cung cấp các ứng dụng xem trước, dịch vụ điện toán đám mây, Internet Explorer Platform 10 Preview 5 và hỗ trợ phần cứng mới.
Với các thiết bị ngoại vi, Windows 8 gây ấn tượng với loa Bluetooth NFC, hoặc với Windows To Go, người dùng có thể mang Windows 8 bên mình ngay trên một thiết bị lưu trữ như USB. Có thể nói rằng Windows 8 có thể làm việc trên mọi thiết bị màn hình cảm ứng với đầy đủ các kích cỡ làm việc khác nhau.
Phiên bản Windows 8 Consumer Preview được cung cấp tại 70 quốc gia khác nhau, cho phép người dùng tải về thông qua website của Microsoft.
Bộ phận Microsoft ở Anh cũng đã cho biết Windows 8 sẽ đòi hỏi cấu hình tối thiếu:
Chip: 32-bit (x86) hoặc 64-bit (x64) 1GHz trở lên
RAM: 1GB (32-bit) hoặc 2GB (64-bit)
Ổ đĩa cứng: 16GB (32-bit) hoặc 20GB (64-bit)
Card đồ họa hỗ trợ DirectX 9 với driver WDDM 1.0 trở lên
Nguồn: Thông tin Công nghệ