Dự thảo quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 nêu rõ, hiện tại các doanh nghiệp cần mở rộng vùng phủ sóng, nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống mạng 3G. Theo đó, đến năm 2015, những đơn vị này mới được xem xét triển khai dịch vụ viễn thông di động thế hệ tiếp theo.
"Tại thời điểm năm 2015, căn cứ vào sự phát triển chung của thế giới và điều kiện cụ thể ở Việt Nam, chúng ta mới cân nhắc có nên đầu tư mạng 4G không, hay vẫn tiếp tục phát triển 3G và nâng cấp lên 3,5G", ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Trước đó, Liên minh Viễn thông Quốc tế đã chấp nhận LTE-Advanced và WirelessMAN-Advanced là hai công nghệ đạt tiêu chuẩn mạng 4G với tốc độ truyền dẫn nhanh gấp tới 500 lần so với mạng 3G. Theo thống kê mới đây của công ty chuyên nghiên cứu thị trường Nielsen, hiện ở Việt Nam có gần 12 triệu thuê bao 3G, chiếm khoảng 10% trên tổng số hơn 100 triệu thuê bao di động.Theo Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son, dự kiến, đến năm 2018, Bộ mới xem xét cấp phép mạng 4G cho các doanh nghiệp. Điều này nhằm giúp doanh nghiệp kịp thu hồi số vốn đã đầu tư cho công nghệ 3G, người tiêu dùng cũng không lãng phí với số tiền mua thiết bị đầu cuối cho dịch vụ.
Dịch vụ 3G chính thức được cung cấp tại thị trường viễn thông Việt Nam từ tháng 10/2009. Hiện nay, cả nước có 4 mạng di động hoạt động trong lĩnh vực này là Viettel, MobiFone, VinaPhone, Vietnammobile, qua 2 hình thức: truy cập trên điện thoại và USB 3G. Trước khi sáp nhập vào Viettel, EVN Telecom cũng nằm trong danh sách đó.
Nguồn: vnexpress