22/07/2011
0

APU Lynx của AMD: tăng tốc đồ họa cho PC giá rẻ

Các bộ xử lý Fusion A-Series mới của AMD tăng cường sức mạnh đồ họa đáng kể cho các máy tính để bàn giá rẻ, đáp ứng nhu cầu giải trí, thậm chí là chơi game.

Một thực tế là trong khi Intel vẫn theo đuổi phát triển những dòng bộ xử lý hiệu năng cao thì các bộ xử lý của AMD lâu nay cũng đã có khả năng xử lý mạnh mẽ, thêm vào đó là mức giá cạnh tranh khiến đối thủ Intel sẽ phải dè chừng.

Ở phân khúc cao cấp, Intel vẫn đang thể hiện uy quyền. Nhưng các BXL tăng tốc APU (accelerated processing unit) A-Series mới của AMD thực sự hấp dẫn cho những ai đang muốn tìm những bộ máy giá rẻ với xử lý đồ họa tích hợp, nhưng vẫn mong có được khả năng xử lý đồ họa “không đến nỗi nào”.

BXL APU A-series, trước đây có tên mã là "Llano", được AMD sản xuất xuất theo qui trình 32 nanometer, giúp tiêu thụ điện năng thấp hơn trong khi hiệu năng tăng cao hơn. "Lynx" là tên mã cho dòng máy để bàn của Llano; với MTXT, tên mã là "Sabine". "APU" là cách gọi mới của AMD, có nghĩa là BXL tăng tốc - "Accelerated Processing Unit". Giống như các BXL Sandy Bridge của Intel, AMD cũng tích hợp CPU và GPU ngay trên cùng một đế silicon cho các BXL APU này.

Cả Intel và AMD đều áp dụng kỹ thuật ép xung tự động, Intel gọi là công nghệ Turbo Boost, AMD gọi là Turbo Core. Hai công nghệ này hoạt động tương tự nhau, tự động “ép” bộ xử lý tăng tốc lên chút ít khi cần, trong khả năng cho phép. Sắp tới AMD sẽ tung ra BXL A8-3800 2,4 GHz - hỗ trợ công nghệ Turbo Core, nhưng giá và thời gian xuất xưởng chưa được hãng công bố.

Cấu hình thử nghiệm

Cặp đôi thử nghiệm: AMD APU A8-3850, cùng với bo mạch chính (BMC) ASRock A75 Pro 4. A8-3850 là BXL 4 nhân (quad-core) 2,9GHz tích hợp nhân đồ Radeon HD 6550D. Thiết kế CPU và GPU trên cùng một đế chip như vậy cung cấp hiệu năng cao hơn trong khi lại giảm được điện năng tiêu thụ. Để so sánh, thử nghiệm cũng được tiến hành với BXL 2 nhân (dual-core) Core i3-2100 3,1GHz. Bộ xử lý Intel Sandy Bridge được thử nghiệm với BMC Intel, tích hợp chipset H67.

Các thành phần khác gồm: HDD 1TB, 4GB RAM, và ổ quang DVD-RW để cài phần mềm. Các thử nghiệm chạy với HĐH Windows 7 Home Premium phiên bản 64-bit.

Kết quả thử nghiệm

Đầu tiên là test card đồ họa với 3DMark Vantage. Phiên bản 3DMark 11 đã được cập nhật hỗ trợ DirectX 11. Tuy nhiên, đáng tiếc là Intel Core i3-2100 chỉ hỗ trợ DirectX 10. Một lưu ý về việc thử nghiệm để tính điểm benchmark là, các lần chạy test không đo hiệu năng thực tế mà là giả định theo kịch bản xử lý những tác vụ nặng cho các thành phần phần cứng.

AMD cho thấy sức mạnh của nền tảng Lynx với kết quả vượt trội của A8-3850 qua bảng điểm 3DMark dưới đây (điểm cao hơn thì tốt hơn).

Một sự chênh lệch quá lớn về hiệu suất xử lý của GPU giữa BXL tích hợp Lynx và Sandy Bridge của Intel. Trong khi điểm CPU của Intel nhỉnh hơn một chút, đồ họa Radeon HD 6550D của AMD hơn hẳn Intel HD Graphics 2000 tích hợp cùng với Core i3-2100.

Bài test tiếp theo PCWorld tiến hành là phần mềm quen thuộc WorldBench 6. Bài test mô phỏng một khối lượng công việc trung bình của người sử dụng bằng cách thực thi cả loạt công việc giả định với việc chạy các ứng dụng bạn vẫn thường làm khi dùng PC. Firefox mở các trang web, Photoshop trau chuốt các tấm ảnh…

Core i3-2100 chiếm ưu thế hơn, vượt khoảng 14%, dành được 127 điểm, trong khi A8-3850 chỉ đạt 109 điểm.

Công nghệ Dual Graphics của AMD

Nếu là người thường sử dụng các ứng dụng nặng về đồ họa, hẳn bạn đã biết sức mạnh đồ họa kép, dùng nhiều card màn hình rời, với các công nghệ Crossfire của AMD và SLI của Nvidia. Công nghệ mới gọi là Dual Graphics, cho phép BXL APU của AMD hỗ trợ kết hợp giữa nhân đồ họa tích hợp và card rời.

Dual Graphics hoạt động tương tự Crossfire: khi một card đồ họa được thêm vào, nó sẽ kết hợp với đồ họa tích hợp trong A8-3850 để tăng cường hiệu năng. Hình thức này cho phép bạn đầu tư dần theo từng giai đoạn, ban đầu tiết kiệm chi phí chỉ dùng đồ họa tích hợp, về sau khi có nhu cầu và điều kiện sẽ bổ sung thêm card rời. Cũng cần nhớ là AMD khuyến nghị card bổ sung cần có khả năng xử lý mạnh hơn Radeon HD 6550D để nhận được hiệu năng tăng cường.

Việc thiết lập Dual Graphics được thực hiện khá dễ dàng thông qua thiết lập BIOS của bo mạch chính. Người thử nghiệm đã thực hiện thêm vào hệ thống một card đồ họa Radeon HD 6570 (giá 80 USD). Sau khi bật máy, Windows tự động hoàn tất cấu hình cho chế độ đồ họa kép Crossfire của AMD.

Bảng kết quả dưới đây tính theo khung hình/giây. Với game hành động Just Cause 2, mọi thiết lập đặt ở mức giá trị thấp nhất, không bật chế độ khử răng cưa (anti-aliasing), và chức năng lọc nâng cao chất lượng (antistropic filtering) đặt là 2X. Với game bắn súng S.T.A.L.K.E.R, phiên bản Call of Pripyat, tắt những tiếng kêu, thét, tiếng rít của những làn đạn…

Thực tế, các hệ thống thử nghiệm chưa đủ sức để chơi những tựa game này, nhưng qua đây cho thấy sức mạnh đồ họa tích hợp của nền tảng AMD Lynx so với Sandy Bridge của Intel. Và việc bổ sung thêm một card đồi họa rời giúp chơi game mượt hơn là rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế, nền tảng Lynx là nhắm tới những hệ thống máy để bàn cấp thấp, chủ yếu dùng để phục vụ công việc văn phòng là chính chứ không nhằm để chơi game nhiều.

Tiêu thụ điện năng

Các BXL cấp thấp như A8-3850 và Core i3-2100 được thiết kế theo hướng tiêu thụ điện năng thấp, nhằm tiết giảm chi phí vận hành. Thử nghiệm cho thấy, trong chế độ nhàn rỗi, mỗi giờ A8-3850 chỉ tiêu tốn 42,3W, trong khi Core i3-2100 dùng khoảng 44,6W. (Số liệu nhận được trong thử nghiệm không dùng màn hình và thùng máy). Trong chế độ xem video độ phân giải cao 1080p, A8-3850 tiêu tốn 66,2W, còn với Core i3-2100 thì lên 72,6W.

Tóm lại

Nền tảng Lynx đã gây ấn tượng, đáp ứng những gì chúng ta mong đợi từ AMD. Vẫn còn thiếu sức mạnh tính toán, nhưng đã tăng sức mạnh (tương đối) cho bộ xử lý đồ họa tích hợp.

Nếu bạn đang eo hẹp về ngân sách thì Lynx rõ ràng là lựa chọn đúng đắn. AMD đang chạy đua với thế mạnh của mình, và quản lý để cung cấp một nền tảng hướng tới người dùng chú trọng về mặt làm việc và giải trí truyền thông, đồng thời cũng muốn thưởng thức video độ nét cao - và thậm chí cả chơi một số game có tính chất nhẹ nhàng.

AMD còn cần cải thiện vài điều để hỗ trợ tốt hơn cho việc thêm một card đồ họa rời. Hãng đã hứa hẹn sẽ cải tiến để quá trình cấu hình đơn giản hơn với bản cập nhật BIOS sau này. Dù sao việc cho phép bổ sung card đồ họa tương đối rẻ tiền nhằm cung cấp hiệu năng cao hơn là một cách tuyệt vời để tăng cường hiệu năng cho các tính năng giải trí mà không làm tăng quá nhiều chi phí cho bộ máy tính của bạn.

Theo PCWorld VN

Đăng nhập

Chat