Hốt bạc từ lỗ hổng của nhà mạng

16/03/2012 0 3734

Làm sim sinh viên không phân biệt độ tuổi, nghề nghiệp, cấp lại sim chính chủ không cần chứng minh thư..., ngày càng nhiều cá nhân "mượn" hệ thống nhà mạng để kiếm lợi, trái quy định pháp luật.

 

"Bạn không phải là sinh viên nhưng muốn sử dụng gói cước sinh viên?", "Nhận làm mới và chuyển thuê bao chính chủ sang sim sinh viên", "Gia hạn sim sinh viên thêm 5 năm"..., những rao vặt kiểu này xuất hiện ngày càng nhiều trên Internet. Theo đó, bất kỳ ai có nhu cầu và sẵn sàng trả 150.000 - 200.000 đồng đều có thể sở hữu gói cước ưu đãi chỉ dành cho sinh viên của các nhà mạng lớn.

Nhận làm dịch vụ trên gần một năm nay, trung bình mỗi ngày anh Nguyễn Thanh Hùng, sống ở Hà Nội có đơn đặt hàng của 5-6 vị khách, thu về một đến 1,1 triệu đồng. Anh Hùng quảng cáo, người đi làm hay đã nghỉ hưu, khách hàng trẻ tuổi hay đã già, anh đều có thể làm sim sinh viên mới cho họ hay chuyển số điện thoại chính chủ sang gói cước sinh viên.

"Thông thường, mỗi người chỉ được đăng ký một thuê bao sinh viên nhưng mình có thể làm cho bạn bao nhiêu tùy thích, không phân biệt tuổi tác hay nghề nghiệp", anh Hùng khẳng định.


Không riêng với sim sinh viên, tất cả các gói ưu đãi có giới hạn đối tượng khách hàng của nhà mạng như sim đoàn viên, sim ngư dân..., nếu khách có nhu cầu, anh Long đều có thể cung cấp. Nhờ đó, mỗi tháng, anh Long thu nhập không dưới chục triệu đồng nhờ dịch vụ này.Cũng sống bằng nghề buôn sim sinh viên "ảo", anh Nguyễn Văn Long, cho biết, nửa năm gần đây, lượng khách gọi điện đặt hàng tăng gấp 2-3 lần. Anh chia sẻ, cước gọi và nhắn tin chỉ bằng 50% so với những thuê bao thông thường, lại được cộng 25.000 đồng mỗi tháng... là những lý do khiến nhiều người muốn làm sim loại này.

Anh thông tin thêm, cách làm gói cước ưu đãi dựa vào chứng minh thư của một bạn sinh viên hay đoàn viên nào đó đã cũ. Hiện, anh thường làm mới và sang tên chính chủ cho bất kỳ thuê bao nào có nhu cầu, dù chứng minh của họ ghi năm sinh bao nhiêu và không cần thẻ học sinh-sinh viên. Tuy nhiên, khi hỏi bí quyết, chủ kinh doanh này từ chối tiết lộ.

"Thông tin được đăng ký trên chính hệ thống nhà mạng nên hưởng ưu đãi nghe, gọi, nhắn tin giá rẻ trong suốt 5 năm. Khách có lợi dài hạn, chúng tôi chỉ hưởng chút tiền công thôi", anh Long khẳng định.

Với lý do "có người thân làm trong nhà mạng", anh Lê Đức Mạnh, sống ở Hà Nội nhận cấp lại sim cho những người bị mất mà không cần chứng minh thư hay đến các văn phòng giao dịch. Theo đó, khách hàng có nhu cầu chỉ cần cung cấp cho anh Mạnh số thuê bao, số chứng minh thư, danh sách 10 cuộc gọi trong 6 tháng trở lại... và chuyển phí 100.000 - 300.000 đồng, tùy hãng viễn thông.

Theo anh Mạnh, nhiều người vô tình bị mất sim nhưng lại không có thời gian đi cấp lại nên dịch vụ anh mở ra khá đông khách. Trong vòng nửa đầu tháng 3, anh đã nhận cấp lại sim trót lọt cho 10 vị khách. "Vấn đề là tôi truy cập được vào hệ thống nhà mạng để cấp lại seri sim mới cho số thuê bao đó. Còn chuyện giả mạo thì không lo, chỉ cần những thông tin họ cung cấp trùng khít với dữ liệu của sim bị mất trên hệ thống là yên tâm chính chủ", anh Mạnh nói.

Tuy nhiên, việc nở rộ những dịch vụ này cùng chuyện giả mạo đầu số tổng đài, giả danh nhân viên viễn thông gần đây khiến không ít người tiêu dùng lo lắng. Chị Hà Thu, sống ở Tây Sơn, Hà Nội cho rằng, nếu nhiều người có thể vào được dữ liệu của nhà mạng để thay tên đổi chủ, chuyển gói cước, hòa mạng thuê bao mới... thì số phận thông tin của những khách hàng khác cũng có thể bị ảnh hưởng.

Trao đổi với VnExpress.net, đại diện của VinaPhone cho biết, tất cả những hành vi cấp lại sim không qua trung tâm giao dịch, làm sim sinh viên sai đối tượng hay giả mạo đầu số, nhân viên tổng đài... đều là trái quy định của các mạng di động và pháp luật. Theo ông, điều này có thể xảy ra do một vài đại lý, cá nhân thực hiện không đúng quy trình, thủ tục nhưng rất khó có chuyện đột nhập được vào hệ thống dữ liệu".

Ngoài ra, lãnh đạo nhà mạng VinaPhone khuyến cáo tất cả các thuê bao nên cẩn thận, cảnh giác với những dịch vụ "đi tắt" trên. Bởi đó có thể là trò lừa đảo để ăn cắp thông tin thuê bao, chiếm dụng sim số đẹp. "Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện những trường hợp sai quy định về ưu đãi, thông tin..., hệ thống khóa lại, chờ xác minh. Khách hàng làm qua dịch vụ bên ngoài cũng rất khó để được bảo vệ quyền lợi", ông nói.

Tương tự, nguồn tin từ Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, việc một số cá nhân lợi dụng hệ thống của nhà mạng để kinh doanh dịch vụ là sai quy định, làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp viễn thông và sự an toàn của các thuê bao. Theo đó, bắt đầu từ năm 2012, đơn vị này sẽ phối hợp với Học viện Bưu chính Viễn thông mở chuyên ngành đào tạo về an toàn thông tin mạng, nhằm bảo mật tốt hơn về dữ liệu mạng Internet và mạng viễn thông.

Đăng nhập

Chat