‘Nhúng’ - cơ hội vàng của FPT Software

15/03/2012 0 3499

Hệ thống nhúng đang là làn sóng đổi mới thứ ba trong công nghệ thông tin và truyền thông, trở thành quốc sách của nhiều nước trên thế giới trong giai đoạn hậu PC hiện nay.

FPT nổi lên là một trong những công ty đi đầu phát triển phần mềm nhúng tại Việt Nam.

Sau sự phát triển của máy tính lớn mainframe và máy tính mini của thời kỳ 1960-1980, đến PC-Internet giai đoạn 1980-2000, thế giới đang bước vào giai đoạn các thiết bị đều được thông minh hoá và kết nối với nhau. Hệ thống nhúng đang làm nên làn sóng đổi mới thứ ba trong sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT).

Thuật ngữ "hệ thống nhúng" (embedded system) mới xuất hiện ở Việt Nam một vài năm trở lại đây và nhiều người không hiểu nhúng là gì. Hệ thống nhúng giống như máy tính được thiết kế để thực hiện một vài chức năng đặc thù nào đó. Nó được “nhúng” vào một thiết bị hoàn chỉnh và thường là cả phần mềm và phần cứng.


Ở các hệ nhúng, chức năng xử lý tính toán được ứng dụng cụ thể cho các thiết bị vật lý như điện thoại di động, đồ điện tử cầm tay, thiết bị y tế, các phương tiện vận tải thông minh, máy đo, thiết bị gia dụng thông minh…Phần mềm cho hệ thống nhúng được gọi là phần mềm nhúng (embedded software) hay firmware. Đó là phần mềm do nhà sản xuất thiết bị cài sẵn vào sản phẩm và chúng được sử dụng ngay cùng với đồ điện tử đó mà không cần có sự cài đặt của người sử dụng hay người thứ ba. Điều đó có nghĩa là phần mềm nhúng có trong TV, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa nhiệt độ, điện thoại... hay bất kỳ vật dụng, thiết bị điện tử hiện đại nào.

Từ rất sớm, các "ông lớn" như IBM, Microsoft, Intel đã chuyển hướng một số bộ phận nghiên cứu phát triển của mình sang làm hệ thống nhúng. Microsoft, tên tuổi gắn liền với các chương trình cho desktop, cũng không thể đứng ngoài cuộc. Sản phẩm nhúng điển hình của hãng này là hệ điều hành Windows CE, máy chơi game Xbox...

Tại Việt Nam, sự phát triển của hệ thống nhúng chỉ mới được để ý tới gần đây.Ý chí này thể hiện ngay trong chiến lược phát triển CNTT đến năm 2010 khi phần mềm nhúng được xem là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất. Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (VINASA) cũng đặt lĩnh vực này là một trong ba mũi nhọn đột phá của ngành, bên cạnh ERP và Game.

Mối duyên FPT và công nghệ nhúng bắt nguồn từ Hội nghị Chiến lược FPT năm 2005 tại Hà Nội. Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình đã chốt 5 mũi đột phá chiến lược, cụ thể cho giai đoạn năm 2006-2008 là Wimax, Embedded, Đại học FPT, Global - Toàn cầu hoá và City (Thành phố FPT tại Bắc - Trung - Nam), viết tắt là WEGUC. Thời điểm đó, anh Bình khẳng định: “Đây là 5 chiến lược quan trọng nhất của Tập đoàn giai đoạn 2006 - 2008”.

FPT, cụ thể là FPT Software, bắt đầu “nhúng” từ năm 2006, hướng tới mục tiêu đến năm 2008 doanh thu từ "nhúng" phải đạt 15%.

Lúc đó, FPT chưa ai biết gì về công nghệ này. Vì thế, FPT Software đã mời anh Nguyễn Quốc Khánh về làm Giám đốc Kỹ thuật chuyên gia mảng này. Anh Khánh sinh năm 1975, là Tiến sỹ CNTT có trên 10 năm kinh nghiệm và đã nhiều năm học tập, làm việc ở nước ngoài. Hiện nay, anh đang là Phó Tổng Giám đốc Maritime Bank kiêm Giám đốc Khối Công nghệ Ngân hàng.

“Người thầy đầu tiên của chúng tôi là các chuyên gia Nhật Bản”, anh Trần Đăng Hòa, GĐ Công ty TNHH Nghiên cứu Phát triển Phần mềm FPT (FRD, thuộc FPT Software), nhớ lại. “FPT Software đã cử người sang nhiều công ty điện tử hàng đầu của Nhật như Toshiba, Panasonic... để học hỏi. Với khách hàng đầu tiên lúc đó là Toshiba, FPT Software mới chỉ dừng lại ở những bước sơ khai - cử nhân viên sang ‘chinh chiến’ ở Nhật, mà cụ thể là trong các dự án của Toshiba như làm về điện thoại, TV, tủ lạnh… Đây là một trong những cách vừa làm vừa học và đúc rút kinh nghiệm nhanh, hiệu quả nhất”.

Cuối năm 2006, FPT Software bắt đầu triển khai mô hình offshore công nghệ nhúng với khách hàng đầu tiên là Panasonic, đội dự án lúc đó có từ 3 đến 5 người, do anh Nguyễn Quốc Khánh dẫn đầu. Dự án làm về phần mềm nhúng cho các thiết bị trong nhà của Panasonic.

Đến năm 2007-2008, với mảng công nghệ nhúng, FPT Software bắt đầu có khách hàng ngoài thị trường Nhật, đó là Freescale và Neopost.

Thực ra, thị trường CNTT cho hệ thống nhúng là phần chìm của tảng băng trôi, nó lớn hơn gấp 100 lần thị trường của những chiếc PC và mạng LAN. Chính vì vậy, với doanh nghiệp Việt Nam nói chung và FPT Software nói riêng, phần mềm nhúng là cơ hội vàng.

Phần mềm nhúng là một lĩnh vực công nghệ then chốt cho sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan và Trung Quốc. Tại Mỹ, có nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước để phát triển các hệ thống và phần mềm nhúng. Hàn Quốc có những dự án lớn nhằm phát triển công nghệ phần mềm nhúng như các thiết bị gia dụng nối mạng Internet, hệ thống phần mềm nhúng cho phát triển thành phố thông minh, dự án phát triển ngành công nghiệp phần mềm nhúng, trung tâm hỗ trợ các ngành công nghiệp hậu PC...

Hàn Quốc cũng chấp nhận Embedded Linux như một hệ điều hành chủ chốt trong việc phát triển các sản phẩm nhúng của mình. Thuỵ Điển coi phát triển các hệ nhúng có tầm quan trọng chiến lược cho sự phát triển của đất nước. Phần Lan có những chính sách quốc gia tích cực cho nghiên cứu phát triển các hệ nhúng đặc biệt là các phần mềm nhúng. Những quốc gia này còn thành lập nhiều viện nghiên cứu và trung tâm phát triển các hệ nhúng.

Anh Trần Đăng Hòa chia sẻ: “Với FPT Software , thị trường gia công phần mềm nhúng là không giới hạn. Hiện nay, ¼ doanh số hằng năm của FPT Software là ở mảng gia công phần mềm nhúng. Doanh số của mảng này tăng trưởng đều đặn, trung bình trên 50% mỗi năm”.

“Theo một số báo cáo phân tích, Nhật Bản đang là thị trường phần mềm nhúng hàng đầu thế giới. Nguồn nhân lực gia công phần mềm nhúng của nước này lại đang thiếu trầm trọng. Do đó, FPT Software đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển hoạt động gia công phần mềm nhúng cho Nhật Bản, khi Việt Nam đang là đối tác lớn thứ ba của thị trường này trong lĩnh vực gia công phần mềm”, anh Hòa phân tích.

Các hệ điều hành dùng trong các hệ nhúng nổi trội hiện nay bao gồm Embedded Linux, VxWorks, Win CE, Lynyos, BSD, Green Hills, QNX, DOS. Mới đây, hệ thống nhúng và phần mềm nhúng đang được kêu gọi phát triển trên hệ điều hành Android.

Android được lựa chọn bởi tính tương thích cao, phát triển bởi nguồn mở nên sẽ không bị hạn chế trong thời gian vá lỗi, có kết nối với dịch vụ điện toán đám mây như Google Apps và không phụ thuộc vào một nhà sản xuất phần cứng duy nhất.

Để tham gia sâu rộng vào thị trường phần mềm nhúng trên nền tảng Android, tháng 4 vừa qua, FPT Software đã ký kết biên bản hợp tác với OESF nhằm phát triển các phần mềm nhúng trên Android. Đây được xem là một cơ hội cho FPT Software tham gia sâu rộng vào phần mềm nhúng và thương mại hóa các sản phẩm của mình. Hiện công ty cũng đã nghiên cứu một số sản phẩm phần mềm nhúng dựa trên hệ điều hành Android như phần mềm ứng dụng cho di động, theo dõi định vị xe hơi…

Thách thức lớn với Việt Nam nói chung và FPT nói riêng chính là nguồn nhân lực cho phát triển phần mềm nhúng. Ở lĩnh vực gia công phần mềm đơn thuần, một kỹ sư mới vào nghề cần từ ba đến sáu tháng để làm tốt công việc được giao, trong khi một kỹ sư mới làm được phần mềm nhúng phải mất từ sáu tháng đến hơn một năm.

Thêm vào đó, kỹ sư phần mềm nhúng phải trang bị nhiều kỹ năng mềm và cần phải có thời gian được đào tạo kỹ năng ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm, thuyết trình và quản lý thời gian… Thông thường các công ty khi tuyển nhân sự cho phần mềm nhúng sẽ phải tốn thêm chi phí đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng mềm khác cho nhân viên.

Anh Hòa cho biết, đơn vị luôn đề cao đào tạo và phát triển, nâng cao hơn nữa nguồn nhân lực phát triển phần mềm nhúng hiện có, phối hợp với ĐH FPT trong tuyển dụng và đào tạo để chuẩn bị nguồn lực lâu dài. Bên cạnh đó, công ty cũng có những chính sách lương thưởng ưu đãi cho nhân lực phần mềm nhúng.

Hiện, ĐH FPT đào tạo nguồn nhân lực làm "nhúng" và một trong những ngôn ngữ dạy chuyên môn sẽ là tiếng Nhật. Lập trình viên sẽ phải học hoặc được gửi sang xứ Phù Tang làm việc để có thể giao tiếp tốt cho công việc.

Chia sẻ về kế hoạch phát triển, anh Hòa cho biết: “Thách thức của FPT Software là việc có nâng cao phát triển để đáp ứng được nhu cầu của thị trường hay không. Sắp tới, FRD sẽ tập trung đi sâu phát triển phần mềm nhúng, cao hơn nữa là các ứng dụng nhúng (application), các phần mềm middleware, và cả phần cứng”.

Anh Hòa cũng hy vọng, với hơn 600 kỹ sư hệ thống có nền tảng chuyên sâu về hệ thống nhúng, FPT Software có thể đáp ứng được bất kỳ dự án lớn nào với mức chi phí thấp và hoàn thiện sản phẩm trong thời gian ngắn như mong đợi của khách hàng.

Nguồn: chungta.vn

Đăng nhập

Chat